"Nuôi mộng xây homestay vừa nghỉ dưỡng vừa sinh lời, chưa đầy 2 năm tôi muốn bán cắt lỗ"
"Chúng tôi từng rất háo hức với giấc mơ có một homestay giữa thiên nhiên xanh mát, nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của gia đình và cũng là tài sản sinh lời đều đặn. Nhưng sau vài năm, mọi thứ không như mơ."
Cách đây vài năm, vợ chồng tôi, hai người làm văn phòng ở Hà Nội cũng bị cuốn theo làn sóng "bỏ phố về vùng ven". Thời điểm năm 2021, khi dịch bệnh khiến ai cũng mơ về không gian sống gần thiên nhiên, vợ chồng tôi bắt đầu lên kế hoạch sở hữu một mảnh đất ở Hòa Bình để xây homestay nghỉ dưỡng.
Lúc ấy, chúng tôi hình dung đủ thứ tươi đẹp: Mỗi cuối tuần cả nhà lên núi nghỉ ngơi, các con được vui chơi, khám phá thiên nhiên. Đồng thời, homestay cũng có thể cho thuê, vừa tạo dòng tiền, vừa giữ đất, kiểu gì cũng lời.
Sau nhiều tháng tìm hiểu, chúng tôi quyết định chi 6 tỷ đồng mua một lô đất vài nghìn m2 trên Hòa Bình, và dự kiến đầu tư thêm 3–4 tỷ đồng để xây dựng homestay với 8 phòng nghỉ, sân vườn, khuôn viên xanh mát. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản.
Quá trình xây dựng kéo dài hơn dự tính do nền đất yếu, địa hình dốc khiến chi phí gia cố tốn kém. Ngoài các hạng mục xây dựng, chúng tôi còn đầu tư trồng cây, thiết kế cảnh quan, thuê nhân công vận hành…

(Ảnh minh họa)
Tới mùa đông năm 2022, homestay của vợ chồng tôi chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng ban đầu, việc tìm khách đến nghỉ dưỡng rất khó khăn. Ban đầu, vài người bạn thân tới trải nghiệm để ủng hộ. Nhưng dần dần, lượng khách thưa thớt. Các ngày trong tuần hầu như không có ai thuê, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 10–15%, kể cả mùa hè cao điểm.
Ngay cả câu chuyện cứ nghĩ xây homestay để nghỉ dưỡng nhưng thực tế gia đình tôi cũng không có nhiều thời gian lên ở. Mỗi lần đến nơi, thay vì nghỉ ngơi, tận hưởng chúng tôi lại tất bật dọn dẹp, chăm cây, hỗ trợ vận hành homestay, thực tế mệt hơn khoảng thời gian sống ở chung cư tại thủ đô.
Về câu chuyện đầu tư dòng tiền, dù đầu tư đến cả chục triệu đồng mỗi tháng để chạy quảng cáo trên mạng xã hội và các nền tảng đặt phòng, nhưng hiệu quả thu hút khách gần như không cải thiện. Homestay có 8 phòng nghỉ, giá cho thuê trung bình 800.000 đồng -1.5 triệu đồng/đêm. Nếu cuối tuần kín khách, doanh thu khoảng 10–12 triệu đồng, bao gồm cả tiền phòng, chi phí sử dụng các dịch vụ ăn uống,... Nhưng sau khi trừ các khoản chi như: Quảng cáo marketing, nhân sự dọn phòng, chăm sóc khách, nhân viên quản lý nội khu... thì lợi nhuận ròng mỗi tháng chỉ vài triệu đồng, thậm chí có tháng lỗ nặng, nhất là mùa đông.
Tính ra, tôi phải bù lỗ để "nuôi" homestay mỗi tháng. Trong khi giá trị bất động sản cũng không tăng như kỳ vọng, thanh khoản thấp, không dễ bán kể cả khi muốn "cắt lỗ". Khi homestay vận hành chưa đầy 2 năm, tôi thấy lỗ chồng lỗ và thực sự rất vất vả khi quản lý, đầu tư liên tục vào homestay. Lúc đó, tôi đã muốn cắt lỗ nhưng chồng tôi vì tiếc công sức và tiền đã đầu tư nên khuyên tôi cố gắng trong 5 năm tới.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi trải qua hơn 2 năm vận hành homestay, tôi nhận ra một điều: làm homestay không phải là giấc mơ dễ hái tiền, đặc biệt với những người không chuyên và không trực tiếp vận hành. Tôi đã hỏi nhiều chủ homestay khác trong khu vực, và không ít người cũng đang trong tình cảnh tương tự: vắng khách, lỗ lũy kế và thậm chí rao bán mãi không ai mua.
Tôi nhận ra rằng: Rất nhiều người trẻ như tôi bị cuốn theo "giấc mơ an cư – sinh lời" khi xây homestay vùng ven. Tuy nhiên, họ lại không hình dung được rằng homestay không giống bất động sản để đó rồi lên giá. Đây là mô hình kinh doanh đòi hỏi vận hành thực tế mỗi ngày: từ dọn dẹp, chăm sóc khách, duy trì khuôn viên, xử lý sự cố, truyền thông đến quản lý booking. Nếu chủ homestay không có thời gian, không sống tại địa phương, hoặc không thuê được người đủ chuyên nghiệp, thì nơi từng được kỳ vọng trở thành "thiên đường nghỉ dưỡng" sẽ nhanh chóng biến thành "gánh nặng tài chính".
Chưa kể, dòng tiền từ homestay rất khó ổn định nếu không nằm ở vị trí du lịch nổi tiếng hoặc có hệ sinh thái dịch vụ bài bản. Dù giá phòng cao, tỷ lệ lấp đầy thấp sẽ khiến tổng thu không đủ bù chi phí vận hành như điện nước, quảng cáo, nhân sự... Bên cạnh đó, chi phí ban đầu để xây dựng homestay trên đất đồi, vùng ven thường đội lên rất cao do đặc thù địa hình. Trong bối cảnh thị trường du lịch cạnh tranh khốc liệt và kinh tế khó khăn, nhiều người chấp nhận rao bán homestay với giá cắt lỗ nhưng cũng rất khó sang nhượng, bởi tính thanh khoản thấp và khách mua phải tự nhìn thấy tiềm năng vận hành thực sự, điều không dễ.
An ninh tiền tệ
CÙNG CHUYÊN MỤC
