Nhà máy được mệnh danh là “công trình thế kỷ” của VN có bước tiến mới: Tin vui trong thời khắc 11h30’

Đây được coi là một trong những cột mốc kỹ thuật quan trọng của nhà máy này.

Hoàn thành hạ đặt bánh xe công tác (nặng 110 tấn) là bước chuẩn bị cần thiết cho việc tổ hợp rotor tổ máy số 1, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025. Ảnh: EVN
Đó là nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Vào ngày 6/11/1979, thủy điện Hòa Bình chính thức được khởi công xây dựng. Đến cuối năm 1988, tổ máy đầu tiên phát điện và 7 tổ máy còn lại cũng lần lượt hoạt động đảm bảo tiến độ 6 năm sau đó. Đến năm 1994, nhà máy thủy điển Hòa Bình khánh thành.
Trong quá trình xây dựng, các đơn vị thi công đã đào hơn 20 nghìn m3, đắp gần 27 nghìn m3 đất đá, khoan phun 205.000m, lắp đặt gần 47.000 tấn thiết bị và kết cấu kim loại. Đây là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam, được mệnh danh là công trình thế kỷ của nước ta, với quy mô cơ sở vật chất và kỹ thuật vào loại lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ XX. Đồng thời từng là một trong những công trình thủy điện lớn nhất của Đông Nam Á.
Mới đây, công trình này một lần nữa có bước tiến lớn.
Cụ thể, vào 11h30' ngày 23/5/2025, tại công trường dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (tỉnh Hòa Bình), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) cùng các đơn vị liên quan đã hạ đặt thành công bánh xe công tác (tổ máy 1) vào vị trí thi công.
Đây được coi là một trong những cột mốc kỹ thuật quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình lắp đặt thiết bị của dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Đáng chú ý, bánh xe công tác có trọng lượng 110 tấn, là thiết bị siêu trọng, được nhập khẩu từ nước ngoài. Việc hạ đặt bánh xe công tác do nhà thầu Lilama thực hiện. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chính xác và an toàn tuyệt đối giữa các bên liên quan.
Theo EVNPMB1, hoàn thành hạ đặt bánh xe công tác là điều kiện tiên quyết để tiếp tục triển khai lắp đặt thiết bị quan trọng tiếp theo như nắp hầm tuabin, trục tuabin, vành điều khiển, ổ hướng tuabin... Đây là bước chuẩn bị cần thiết cho việc tổ hợp rotor tổ máy số 1, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025.
Trên thực tế, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN làm chủ đầu tư; EVNPMB1 là đại diện chủ đầu tư quản lý, điều hành có quy mô lắp đặt 2 tổ máy với tổng công suất 480 MW. Khi đi vào vận hành, nhà máy này sẽ bổ sung khoảng 500 triệu kWh điện mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia, góp phần nâng cao khả năng khai thác công suất phủ đỉnh, đồng thời tăng cường độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia.
Hiện nay, EVN, EVNPMB1 và các nhà thầu đang nỗ lực bám sát tiến độ, phấn đấu đưa tổ máy số 1 phát điện trước ngày 2/9/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Dự án nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ về đích trong năm nay

Nhiều hạng mục quan trọng của dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch trong quý I/2025. Ảnh: VGP
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng là dự án nguồn điện quan trọng trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương. Dự án này được khởi công vào đầu năm 2021 gồm 2 tổ máy, có công suất 480 MW, với tổng mức đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, và dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 quý III/2025, tổ máy 2 quý IV/2025.
Theo kế hoạch đề ra, trong quý II năm 2025, dự án sẽ phải hoàn thành một một số mục tiêu tiến độ quan trọng. Với hạng mục cửa lấy nước, cần hoàn thành toàn bộ đổ bê tông kết cấu đến cao độ 122,5m trước ngày 5/4/2025; hoàn thành công tác thi công tháo dỡ đê quây cửa lấy nước; đào hố móng giai đoạn 3 và gia cố mái kênh dưới cao độ 95 m trước 15/6/2025.
Tại khu vực nhà máy và kênh xả, EVNPMB1 cũng đặt mục tiêu tháo dỡ đê quây hạ lưu khối lượng 52.500 m3 và triển khai thi công bê tông gia cố mái kênh xả, khối lượng 8.400m2; đồng thời hoàn thành lắp đặt tổ hợp Rotor tổ máy 1 trong tháng 6/2025; triển khai tổ hợp, lắp đặt tuabin tổ máy 2 từ ngày 15/5/2025.

Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được coi là một trong những biểu tượng cao đẹp nhất của tình hữu nghị Việt – Xô. Trên thực tế, có hơn 30.000 cán bộ, công nhân; 5.000 chiến sĩ bộ đội công binh và 1.000 cán bộ quản lý, 750 chuyên gia Liên Xô tham gia vào quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: TV
Công trình thủy điện Hoà Bình có 4 nhiệm vụ, trong đó điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu.
Ngày 25/5/2021, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã cán mốc sản lượng 250 tỷ kWh điện sản xuất, từ đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Đây cũng là mốc sản lượng mà đến nay chưa có nhà máy thủy điện nào ở Việt Nam đạt được.
Ngoài ra, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Trên thực tế, việc vận hành, điều tiết hồ chứa với dung tích 9 tỷ m3 đã giúp vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đặt ngầm trong lòng một quả đồi là nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị chính, bao gồm 8 tổ máy phát điện, máy biến áp cường lực… cùng với các công trình phụ trợ. Tám tổ máy có tổng công suất 1.920 MW, trong đó mỗi tổ có công suất 240 MW. Ảnh: TV
Kể từ khi nhà máy đi vào vận hành, tính đến nay, Thủy điện Hòa Bình đã chế ngự được hàng chục trận lũ lớn trên 10.000 m3/giây. Trong đó điển hình là trận lũ lịch sử tháng 8/1996 có lưu lượng hơn 22.650 m3/giây, trận lũ muộn xuất hiện tháng 10/2017 (khi hồ chứa đã đầy) lưu lượng gần 16.000 m3/giây với những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, Thủy điện Hòa Bình còn giữ vững an toàn công trình và vùng hạ du đồng bằng Bắc Bộ.
thanhnienviet.vn
CÙNG CHUYÊN MỤC

Bị khởi tố vì thu 27 tỷ từ kinh doanh online nhưng không đóng thuế
09:37 , 25/05/2025
Một nữ chủ shop online ở Vũng Tàu bị khởi tố
00:04 , 25/05/2025