MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 71 triệu đồng, 2 tháng sau phát hiện tiền đã được dùng để mua bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng khẳng định: “Đã có sự đồng ý của khách hàng”

09-05-2025 - 00:32 AM | Sống

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 71 triệu đồng, 2 tháng sau phát hiện tiền đã được dùng để mua bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng khẳng định: “Đã có sự đồng ý của khách hàng”

Sau 2 tháng gửi tiết kiệm, người phụ nữ Trung Quốc tá hỏa khi biết tiền của mình đã được dùng để mua bảo hiểm.

Theo The Paper, ngày 9/6/2022, bà Bành ở Hồ Bắc, Trung Quốc, đến chi nhánh Trạch Khẩu của Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc tại thành phố Tiềm Giang để gửi tiết kiệm 20.000 NDT (hơn 71 triệu đồng). 2 tháng sau đó, vào ngày 31/8, khi quay lại ngân hàng để rút tiền, bà được nhân viên thông báo số dư thực nhận chỉ còn hơn 9.000 NDT (hơn 32 triệu đồng).

Về nhà, bà Bành kể lại chuyện này cho con trai. Sau khi giúp mẹ kiểm tra kỹ chứng chỉ tiền gửi, con trai bà phát hiện đó không phải là sổ tiết kiệm mà là một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thêm vào đó, hợp đồng này có tổng cộng 25 trang nhưng mẹ anh chỉ được phát 2 trang. Theo nội dung ghi ở bên trong, gói bảo hiểm mà bà Bành mua là bảo hiểm nhân thọ trọn đời, yêu cầu khách hàng nộp phí trong 3 năm liên tiếp, mỗi năm 20.000 NDT. Đặc biệt, khoản tiền này chỉ có thể được rút toàn bộ sau ít nhất 6 năm. Nếu rút trong năm đầu tiên, bà Bành chỉ nhận lại 9.749 NDT; nếu rút sau năm thứ hai, số tiền là 26.049 NDT; còn nếu rút sau năm thứ ba, bà sẽ nhận được 56.138,6 NDT.

Nghe con trai nói vậy, bà Bành vô cùng hoang mang. Bà cho biết hôm đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm, vì không biết chữ và sử dụng điện thoại di động, bà đã được nhân viên ngân hàng hỗ trợ thực hiện thủ tục gửi tiền. Để làm rõ sự việc, ngày 2/9, mẹ con bà Bành đến ngân hàng hỏi nguyên do và yêu cầu ngân hàng hoàn tiền. Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, nhân viên ngân hàng cho biết họ đã giải thích rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm cho bà Bành trước khi giúp bà làm thủ tục:

"Lúc đó, chúng tôi đã nói rõ với cô rằng đây là hợp đồng bảo hiểm do ngân hàng làm đại diện phân phối nên cô không cần trực tiếp giao dịch với công ty bảo hiểm. Hiện nay, lãi suất tiền gửi thông thường khá thấp, trong khi cô lại chưa cần dùng đến khoản tiền này nên chúng tôi gợi ý cô nên mua bảo hiểm này để hưởng lãi suất cao hơn. Đây cũng giống như một hình thức tiết kiệm để nghỉ hưu. Cô chỉ cần gửi 20.000 NDT mỗi năm, sau 3 năm không cần nộp thêm, sau 6 năm có thể rút được hơn 65.000 NDT. Lúc đó, cô đã đồng ý nên chúng tôi mới giúp cô làm thủ tục.”

Tuy nhiên, khi bà Bành khẳng định bản thân không biết đọc và cũng nói với nhân viên ngân hàng là muốn gửi tiết kiệm chứ không phải mua bảo hiểm. Con trai bà Bành cũng bức xúc nói: "Tiền gửi là để tiết kiệm, còn bảo hiểm là phải trả phí. Chị nói mua bảo hiểm giống gửi tiết kiệm thì làm sao mẹ tôi hiểu được!”

Nhân viên ngân hàng vội tiếp lời: “Ý tôi là gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm có phương thức lưu trữ giống nhau, đều gửi tiền vào ngân hàng. Số tiền mẹ anh gửi vào vẫn được chuyển vào ngân hàng và thực hiện thông qua chuyển khoản từ thẻ ngân hàng. Hiện nay, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc, đều thuộc cùng một hệ thống tài chính nên những giao dịch này thực hiện rất dễ dàng và nhanh gọn ."

“Vậy tiền của mẹ tôi hiện đang nằm trong tài khoản ngân hàng hay là tài khoản của công ty bảo hiểm?", con trai bà Bành tiếp lời.

Nhân viên ngân hàng đáp: "Tiền hiện đang nằm trong tài khoản của công ty bảo hiểm. Tất cả những thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi đã nói rõ với mẹ anh và hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của bà."

Người phụ nữ gửi tiết kiệm 71 triệu đồng, 2 tháng sau phát hiện tiền đã được dùng để mua bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng khẳng định: “Đã có sự đồng ý của khách hàng”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Sohu

Dù đã được nhân viên nhân hàng giải thích ngọn ngành sự việc, mẹ con bà Bành vẫn cho rằng họ đã bị lừa và nhất quyết yêu cầu phía ngân hàng hoàn lại toàn bộ tiền cho họ. Trước phản ứng gay gắt từ phía mẹ con bà Bành, nhân viên ngân hàng cho biết họ sẽ báo cáo sự việc lên cấp trên để đưa ra phương án xử lý. 

Đến chiều ngày 3/9, đại diện ngân hàng khi trả lời truyền thông vẫn khẳng định họ giải thích rõ ràng với bà Bành và cho biết vào thời điểm đó, nhân viên của họ không biết người phụ nữ này không biết chữ. Dẫu vậy, đơn vị này vẫn chưa đưa ra phương án xử lý thỏa đáng nào.

Vụ việc này sau khi được chia sẻ trên MXH đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Luật sư Long Văn Minh - Giám đốc Công ty Luật ở Hồ Bắc nhận định, trường hợp này có thể được xem là một hiểu lầm pháp lý nghiêm trọng. 

Dưới góc độ pháp luật, ông phân tích: Ngân hàng có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc minh bạch khi giới thiệu và bán các sản phẩm tài chính, đảm bảo khách hàng được thông báo đầy đủ, rõ ràng về tính chất và điều kiện của từng sản phẩm. Nếu cố tình gây nhầm lẫn giữa gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm, hành vi đó có thể bị coi là lừa dối khách hàng. 

Theo Điều 147 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu một giao dịch dân sự được thực hiện do hiểu lầm nghiêm trọng, bên thực hiện có quyền yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng. Theo Biên bản Hội nghị dân sự lần thứ 9 của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, nếu tổ chức tài chính không chứng minh được đã giải thích đầy đủ nội dung rủi ro, mà chỉ dựa vào câu viết tay "Tôi hiểu rủi ro" của khách hàng, thì sẽ không được tòa án ủng hộ.

Bên cạnh đó, xét về điều kiện tài chính và trình độ nhận thức, bà Bành là người lao động có thu nhập thấp. Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, đối với trường hợp như vậy, hợp đồng bảo hiểm phải do công ty bảo hiểm phát hành sau thẩm định thay vì để ngân hàng thực hiện tại chỗ thông qua quy trình tự động. 

Luật sư Long cũng khẳng định, nếu ý định ban đầu của bà Bành chỉ là gửi tiết kiệm, nhưng lại bị nhân viên ngân hàng dẫn dắt mua bảo hiểm một cách không minh bạch, bà hoàn toàn có thể yêu cầu hủy hợp đồng. Đây là sự khác biệt về bản chất giữa một giao dịch gửi tiết kiệm (hợp đồng gửi tiền với ngân hàng) và mua bảo hiểm (hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm).

Tuy nhiên, luật sư này cũng lưu ý rằng bà Bành là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, và là khách hàng lâu năm của ngân hàng nên cũng có phần trách nhiệm trong việc phân biệt giữa sản phẩm tiết kiệm và sản phẩm bảo hiểm. Do đó trong vụ việc này, trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về ngân hàng.

Dù kết quả vụ việc không được công bố, song đây cũng là lời cảnh báo cho người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch tài chính. Luật sư Trung Quốc khuyên mọi người nên đọc kỹ và xác nhận rõ thông tin về sản phẩm tài chính trước khi giao dịch. Đối với những khách hàng là người lớn tuổi, họ nên có người thân đi cùng nếu muốn tham gia giao dịch tài chính. Cùng với đó, các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng cần siết chặt quy định và quy trình tư vấn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, tránh lặp lại các trường hợp tương tự.

 (Theo Sohu)

 

Ánh Lê

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên