Người đàn ông mua chung cư 99m² giá 856 triệu đồng, cải tạo xong thì phát hiện nhà thuộc về người khác, công ty BĐS tuyên bố: “Không thể trách chúng tôi”

Sau khi mua nhà, cải tạo và dọn vào ở, người đàn ông Trung Quốc mới phát hiện mình đã nhận nhầm căn hộ của người khác do sai sót trong việc đánh số nhà.
- 21-05-2025Cặp vợ chồng đặt cọc hơn 359 triệu đồng mua chung cư, 2 tháng sau phát hiện nhà đã bị chủ đầu tư bán cho người khác, bên bán thông báo: “Không trả lại tiền”
- 19-05-2025Người đàn ông mua chung cư giá 1,7 tỷ đồng, dọn đến được 2 tháng thì phát hiện nhà “đã có chủ”, công ty quản lý BĐS thẳng thắn: “Không thể giải quyết được”
- 03-05-2025Người đàn ông mua chung cư giá 1,3 tỷ đồng, 2 năm sau dọn đến thì phát hiện nhà có chủ mới, chủ đầu tư tuyên bố: “Tưởng anh không ở nên bán cho người khác”
Sai sót từ khâu đánh số nhà
Ngày 22/11/2016, gia đình anh Tiêu – một hộ nghèo ở tổ 8, thôn Tân Đào, thị trấn Thành Quan, huyện Tử Dương, Thiểm Tây, Trung Quốc, đã mua một căn hộ thương mại rộng hơn 99m2 tại một khu dân cư trên địa bàn với giá hơn 238.000 NDT (hơn 856 triệu đồng). Khu dân cư này gồm 6 tòa nhà, trong đó tòa số 6 là nhà ở tái định cư. Dự án do Trung tâm bảo đảm huyện Tử Dương làm chủ đầu tư, được Công ty Đầu tư Đô thị huyện Tử Dương bán và được quản lý bởi Công ty Bất động sản Tử Thành Hoa Thụy.
Sau khi nhận nhà, gia đình anh Tiêu nhanh chóng cải tạo và chuyển vào ở ngày 12/2/2017. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau, một người phụ nữ họ Giả đến gõ cửa nhà anh Tiêu và khẳng định căn hộ anh đang ở thực chất là nhà của bà – căn 602, còn nhà của anh - căn 603 phải nằm đối diện.
Qua trao đổi, anh Tiêu mới phát hiện ra mình đã cải tạo nhầm nhà của bà Giả. Người đàn ông này cho biết khi đến nhận nhà, ổ khóa căn 603 không mở được nên anh phải gọi thợ đến thay khóa.
“Chúng tôi cứ nghĩ khóa bị lỗi. Người của công ty quản lý bất động sản cũng có mặt lúc đó và không phản đối việc tôi gọi thợ phá khóa,” anh Tiêu kể lại.
Ông Trương Kỳ Dũng, quản lý Công ty Bất động sản Tử Thành Hoa Thụy cũng thừa nhận rằng số nhà tại tòa số 6 đã bị đảo lộn. Tuy nhiên, sự việc xảy ra không thể trách đơn vị này vì theo ông, việc bàn giao căn hộ được thực hiện đúng theo hồ sơ từ Công ty Đầu tư Đô thị huyện Tử Dương.

Ảnh minh họa: Internet
Theo điều tra, căn hộ anh Tiêu đang sử dụng thực chất là căn 602, diện tích 108m², thuộc sở hữu của bà Giả – người đã ký hợp đồng tái định cư từ tháng 6/2016 và nhận nhà ngay sau đó. Anh Tiêu cho biết diện tích chênh lệch giữa hai căn hộ là không nhiều khiến anh không hề nghi ngờ gì.
Trong khi đó, bà Giả vô cùng buồn phiền vì ngôi nhà mới mua đã bị người khác sử dụng và cải tạo. Người phụ nữ này đã báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng địa phương nhưng sau nhiều tháng hòa giải, sự việc vẫn chưa ngã ngũ do các bên liên quan đổ lỗi cho nhau.
Hòa giải bế tắc, trách nhiệm thuộc về nhiều bên
Trong vụ việc này, bà Giả yêu cầu được đền bù theo giá thị trường 3.000 NDT/m² vì ngôi nhà đã bị cải tạo. Gia đình anh Tiêu cũng thừa nhận một phần trách nhiệm, chấp nhận mua phần diện tích chênh lệch theo giá thị trường. Trong khi đó, Công ty Đầu tư Đô thị huyện Tử Dương cho rằng hợp đồng mua bán không sai, còn Công ty Bất động sản Tử Thành Hoa Thụy khẳng định họ chỉ bàn giao theo số nhà niêm yết. Trung tâm bảo đảm huyện Tử Dương – đơn vị phụ trách dán biển số nhà – thì cho rằng sự việc quá phức tạp và nên được giải quyết bằng thủ tục pháp lý.
Ông Kuang Fengbo, cán bộ Trung tâm bảo đảm huyện Tử Dương, cho biết việc đánh số nhà được họ ủy quyền cho một đơn vị bên ngoài thực hiện. Khi phát hiện sai sót vào cuối năm ngoái, họ đã sửa lại nhưng không ai báo cáo phát sinh hậu quả vào thời điểm đó. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc bàn giao nhà sai không chỉ lỗi của Trung tâm bảo đảm huyện Tử Dương mà các đơn vị như công ty đầu tư, bất động sản đều phải chịu trách nhiệm vì đã không kiểm tra rõ diện tích và vị trí nhà.
Luật sư Đặng Kiến Quân thuộc Công ty luật Thiểm Tây nhận định, Trung tâm bảo đảm huyện Tử Dương và Công ty Đầu tư Đô thị huyện Tử Dương Là hai đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này. Dù có sự chênh lệch diện tích, nhưng với tư cách người tiêu dùng không chuyên, anh Tiêu Thần khó phát hiện được.
Luật sư cũng cho rằng vụ việc nên giải quyết bằng cách hòa giải: nếu bà Giả đồng ý bán nhà, gia đình anh Tiêu sẽ bù tiền theo diện tích chênh lệch, còn phần chênh lệch do sai sót hệ thống nên các đơn vị liên quan phải chịu. Trong trường hợp hòa giải thất bại, các bên nên khởi kiện để làm rõ trách nhiệm theo pháp luật Trung Quốc.
Dù kết quả của vụ việc không được công bố, song đây cũng là lời cảnh báo về những lỗ hổng trong quy trình giao nhận nhà giữa chủ đầu tư và công ty quản lý bất động sản. Sự thiếu liên kết và minh bạch thông tin không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người mua nhà.
Theo 360doc.com
Đời sống và Pháp luật