Ngôi làng kỳ lạ nhất miền Bắc: 200 người "ăn chung nồi, tiền chung túi", khách muốn vào phải rửa tay bằng nước "giếng thần"
Những bữa cơm trưa chẳng khác gì trong một kỳ nghỉ gia đình, hơn 200 người sống chung hòa thuận, chẳng ai phải nghĩ đến tiền, không ai có nhu cầu mua sắm… Những điều thoạt nghe vô cùng kỳ lạ nhưng lại là chuyện thường nhật tại Làng văn hóa Tày Thái Hải (Thái Nguyên).
- 22-05-2025Ngôi làng có THẾ ĐẤT địa linh nhân kiệt nhất miền Bắc: Nhìn số lượng người tài giỏi, xuất chúng mà kinh ngạc!
- 16-04-2025Ngôi làng được mệnh danh là "vùng đất tuổi thọ": Nhiều người sống hơn 100 tuổi, đi khám phát hiện 1 chỉ số vô cùng vượt trội
- 19-11-2024Ngôi làng “sống thọ nhất thế giới” nhờ kiêng 1 loại gia vị quen mặt ai cũng mê
Bản làng Thái Hải, hay còn gọi là "Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải", "Bản làng Thái Hải", "Gia đình Thái Hải" ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) - cách trung tâm Thái Nguyên chỉ 7 km. Với sự mộc mạc, đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, bản làng Thái Hải đã tạo sức hấp dẫn diệu kỳ, thu hút đông đảo du khách tìm về.
Không chỉ được biết đến là một "ngôi làng kỳ lạ" ở miền Bắc, Thái Hải đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Thái Nguyên. Ngôi làng này từng được chuyên trang du lịch CNN Travel liệt kê vào danh sách những vùng nông thôn đẹp nhất thế giới và là 1 trong 3 ngôi làng tại Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới trao giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất thế giới" vào năm 2022.
Cả làng sống như một đại gia đình
Không giống bất cứ làng nào khác ở Việt Nam, tại ngôi làng đặc biệt này, các gia đình nhỏ không có sở hữu riêng. Thông tin trong phóng sự Toàn cảnh 24 - kênh VTV9 Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng ngày 23/05/2025 ghi nhận, cả làng có gần 200 người, sống trong hơn 50 ngôi nhà sàn như một đại gia đình, công việc được phân chia rõ ràng, người làm thuốc, người nấu ăn, người chăn nuôi, cùng nuôi dạy con cái và làm du lịch cộng đồng.

Cả làng gần 200 người "ăn chung một nồi". (Ảnh chụp màn hình VTV9)
Ở Thái Hải, đều đặn ngày ba bữa cả làng lại quây quần bên nhau ở khu ẩm thực để cùng ăn và kể cho nhau nghe những câu chuyện lý thú trong cuộc sống. Toàn bộ hoạt động sản xuất ở Thái Hải đều mang tính tự cung tự cấp, sản phẩm mỗi người làm ra sẽ được tập hợp lại, sau đó phục vụ cho nhu cầu của từng người và cộng đồng làng.

Những ngôi nhà sàn mộc mạc thấp thoáng trên những con đường rợp bóng cây tại Thái Hải. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
Mỗi ngôi nhà tại Thái Hải cũng được chia ra theo các chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Bên cạnh để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, các ngôi nhà cũng chính là địa điểm phục vụ nhu cầu sản xuất, phát triển văn hóa du lịch cộng đồng.

Ở Thái Hải, mỗi người phụ trách một công việc khác nhau, không ai tị nạnh ai. (Ảnh chụp màn hình VTV9)
"Nhà thuốc" là ngôi nhà gìn giữ thuốc nam gia truyền. Ngôi nhà và những người làm việc tại đây có trách nhiệm bảo tồn, thu hái, bảo quản, cung cấp những bài thuốc để chữa bệnh cho người làng, cả du khách muốn mua thuốc gia truyền của bản.
"Nhà rượu" thì chuyên nấu rượu, bảo tồn rượu dân tộc. "Nhà đan lát" là nơi làm ra những đồ gia dụng bằng tre, nứa để làng dùng và bán cho du khách.
Không ai có tiền riêng, cũng không cần dùng đến tiền
Một điều khiến du khách thích thú khi tìm hiểu về bản làng Thái Hải, đó là tất cả dân làng ở đây đều có một cuộc sống đáng mơ ước khi không phải chịu áp lực "cơm áo gạo tiền". Cả làng ăn chung nồi cơm, tiêu chung túi tiền, không ai có nhu cầu mua sắm vì đã có cộng đồng lo cho mọi thứ, từ chuyện ăn uống, chỗ ở tới việc học hành của con trẻ.
Người trong làng kể, ở đây chẳng ai phải nghĩ đến tiền, cũng chẳng phải nghĩ bữa nay ăn món gì. Đến bữa cơm ra ăn chung cùng mọi người, ai cần đồ dùng hay nguyên liệu sản xuất gì chỉ cần báo quầy lễ tân. Sản phẩm làm ra lại mang đến quầy hàng của làng để bán cho du khách.

Người dân làng Thải Hải tất bật chuẩn bị đón khách. Ảnh: Minh Phùng
Tiền bán các sản vật này sẽ cho vào quỹ chung để lo chuyện học hành cho trẻ nhỏ, thuốc men cho người già và các công việc chung của dân làng, không ai là gánh nặng của ai mà là một phần không thể thiếu của cộng đồng.
Nơi người phụ nữ được "cởi bỏ" gánh nặng
Chia sẻ với VTV9 Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng ngày 23/05/2025, bà Trần Thị Quyết (người dân làng Thái Hải) cho biết: "Quê tôi ở Hà Nam, tôi muốn về quê thì tôi xin tiền. Tôi muốn vào miền Nam thăm bố, tôi cũng xin tiền, thoải mái chả phải lo lắng gì".
Với quan điểm tất cả cùng sinh sống, cùng làm việc, cùng hưởng thụ, ở Thái Hải, trách nhiệm của người phụ nữ đối với việc chăm sóc gia đình, con cái được nhẹ nhàng và cởi mở hơn. Phụ nữ ở đây khỏe thì tham gia công việc, mệt thì nghỉ ngơi.

Tết cơm mới của dân làng Thái Hải - Ảnh: THÁI HẢI
Việc nuôi dạy trẻ em, chăm sóc người già yếu tại đây cũng là việc chung của cả làng. Trẻ con đi học, người già đau ốm đều được chăm nom chu đáo. Trẻ con trong bản từ độ tuổi mầm non đến lớp 5 ngày ngày khoác lên mình bộ trang phục áo chàm truyền thống, đi học tại trường học của bản. Các cô giáo ở bản cũng chính là các cô bé đã lớn lên từ bản, đi học rồi quay trở lại góp sức mình vào phát triển của quê hương.
Muốn vào làng phải rửa tay bằng nước "giếng thần" - nét văn hóa độc đáo của người Tày
Thái Hải có 3 sản phẩm chủ lực giới thiệu đến du khách, đó là kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.
Ngoài 50 nếp nhà sàn cổ, các đồ dùng, vật dụng trong nhà như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước, mâm ăn cơm bằng gỗ, rổ rá, bồ đan bằng tre, nứa để đựng đồ đạc.. đều là kho tàng văn hóa vật thể nổi bật của người đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó là các bộ trang phục truyền thống, thuốc nam chữa bệnh, các loại ẩm thực như bánh chưng, bánh gai, chè lam, thịt treo gác bếp và rượu men lá chưng cất theo phương pháp truyền thống…
Ngoài ra, văn hóa phi vật thể rất được coi trọng ở Thái Hải, đặc biệt là ngôn ngữ. Ở bản làng này, mọi thành viên đều giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc, hằng ngày cùng tập luyện, trao truyền hát then, đàn tính, giữ gìn nền nếp gia đình. Bên cạnh đó, nét đẹp văn hóa tâm linh tín ngưỡng như lễ hội lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên được duy trì.
Một nét đẹp văn hóa làm nên sự khác biệt của Thái Hải và khiến du khách thích thú chính là nghi lễ: rửa tay bằng nước giếng thần. Theo đó, tất cả "người lạ" trước khi vào bản đều sẽ được mời rửa tay bằng tại giếng thần với mong ước giúp mọi người luôn bình an, may mắn – một nghi lễ nhỏ nhưng đủ nói lên sự tôn kính với văn hóa bản địa.

Nghi lễ rửa tay bằng nước thần tại bản làng Thái Hải. (Ảnh chụp màn hình VTV9)
Giữa nhịp sống hiện đại nhiều biến động, Thái Hải không chỉ là một ngôi làng đặc biệt, mà còn là biểu tượng sống động của một cộng đồng gắn kết, gìn giữ văn hóa và sống hài hòa với thiên nhiên. Những nét văn hóa độc đáo và nỗ lực gìn giữ, phát huy văn hóa của cha ông để lại, Thái Hải được coi như minh chứng sống động cho mô hình cộng đồng bền vững, hòa bình, yêu thương, tin tưởng.
Từ việc rửa tay bằng nước giếng thần, cùng ăn cơm sàn, nghe tiếng đàn tính, câu hát then… là đủ để thấy lòng mình nhẹ nhõm, tạm gác lại những lo toan thường nhật. Và cũng từ đó, ta hiểu vì sao ngôi làng nhỏ giữa núi đồi Thái Nguyên này lại có sức hút đến lạ kỳ, không chỉ với du khách trong nước mà còn với bạn bè quốc tế.
Phụ nữ số