MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự: Bước đi tất yếu và khách quan

17-05-2025 - 09:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Trước làn sóng cắt giảm nhân sự đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nhà băng, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhận định, đây là bước đi chiến lược đã có trong kế hoạch của các ngân hàng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng Việt Nam mạnh tay cắt giảm nhân sự. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?

Xu hướng cắt giảm nhân sự tại các ngân hàng đã diễn ra trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, làn sóng này diễn ra mạnh mẽ hơn và mang tính đồng loạt. Khảo sát thị trường cho thấy, nhiều nhà băng ghi nhận số lượng lao động giảm tới hàng nghìn người.

Thực tế, việc giảm nhân sự không phải là quyết định mang tính ngắn hạn mà nằm trong lộ trình phát triển dài hạn và theo tôi đây là một bước tiến lớn của các ngân hàng, trong bối cảnh chuyển đổi số được đẩy mạnh và bộ máy nhân sự được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Rõ ràng khi công nghệ ngày càng phát triển, nhất là những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng ngày càng mạnh mẽ hơn thì những bộ phận có tính chất công việc thủ công, lặp lại, hoặc có thể tự động hóa cao như vận hành, giao dịch tại quầy đã và đang được tinh giản. Hiện các ngân hàng đã đưa robot tự động hóa vào hoạt động, giúp nhân sự thay vì ngồi làm những công việc lặp đi lặp lại, sẽ tập trung vào những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và giá trị gia tăng cao hơn.

Ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự: Bước đi tất yếu và khách quan- Ảnh 1.

Việc tinh gọn bộ máy được đánh giá là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, liệu việc này có tạo tâm lý e ngại về chất lượng dịch vụ khách hàng, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi và sự ổn định việc làm của người lao động hay không, thưa ông?

Tôi khẳng định lại, việc cắt giảm nhân sự không phải do khó khăn mà đây là một bước tiến tất yếu và đòi hỏi khách quan của các ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ. Hiện hành vi sử dụng và yêu cầu về trải nghiệm của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng đã và đang thay đổi. Đơn cử như việc người dân không muốn phải ra trực tiếp điểm giao dịch của ngân hàng nữa, mà mong muốn mọi dịch vụ có thể được thực hiện online trên điện thoại, máy tính có kết nối internet. Bên cạnh đó, người dùng muốn dịch vụ tiện lợi, thông minh và tối ưu, liền mạch hơn, từ đó đặt ra bài toán cho các ngân hàng cần giải quyết và chìa khoá đó chính là công nghệ.

Số lượng khách hàng tăng theo cấp số nhân thì công nghệ sử dụng để phục vụ khách hàng cũng cần nhanh và tự động, không thể sử dụng các biện pháp thủ công được nữa. Bộ phận chăm sóc khách hàng chính là một ví dụ. Khi chatbot đang dần được áp dụng nhiều hơn thì việc phải có một bộ phận trực điện thoại của khách hàng liệu có còn cần thiết? Việc cắt giảm nhân sự ở các vị trí dôi dư để chuyển sang các bộ phận khác phù hợp hơn không chỉ không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ mà còn đem đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng; đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động của ngân hàng, tạo điều kiện để người dùng được tiếp cận dịch vụ với chi phí tốt hơn, thậm chí rất nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đang được miễn phí.

Vậy ông có khuyến nghị gì về chiến lược tái cấu trúc nhân sự tại các ngân hàng Việt Nam?

Trong vài năm tới, công nghệ AI sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, thay thế nhiều việc làm, đặc biệt, ngành Ngân hàng được dự báo sẽ là ngành bị ảnh hưởng lớn nhất trong số các lĩnh vực bị tác động. Bởi hiện công nghệ AI đã và đang được các ngân hàng áp dụng nhiều hơn để xử lý nhiều công việc. Do đó, diễn biến dịch chuyển nhân sự trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các TCTD phải có kế hoạch cụ thể, cân đối trong việc đầu tư đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho nguồn nhân lực và đổi mới chính sách tuyển dụng nhằm giữ chân người lao động trong các mảng công việc mang tính chiến lược. Bên cạnh đó, với các nhân sự ở vị trí công việc cần cắt giảm, ngân hàng cũng phải có lộ trình rõ ràng đối với người lao động. Về phía bản thân người lao động cũng cần chủ động trang bị các kiến thức, kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu mới trong công việc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hạ Chi

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên