MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ vừa chốt đơn hơn 1 tỷ USD một 'mỏ vàng' của Việt Nam: thuế nhập khẩu 25%, nước ta là ông lớn thứ 3 thế giới

07-05-2025 - 13:01 PM | Thị trường

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng tỷ đô này sau khi vượt qua Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng ô tô của Việt Nam vừa thu về hơn 1,3 tỷ USD trong tháng 4, giảm 6,8% so với tháng 3. Lũy kế trong quý 1 mặt hàng này đã thu về hơn 5,2 tỷ USD, tăng 9,4%, đồng thời là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 6 của Việt Nam.

Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức… Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm bất ngờ chứng kiến màn đổi ngôi giữa 2 cường quốc. 

Theo đó, Mỹ vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này, với gần 1,06 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Mới đây nhất, Chính phủ Mỹ vừa chính thức áp dụng mức thuế 25% đối với các mặt hàng phụ tùng ô tô nhập khẩu, một tháng sau khi triển khai thuế tương tự đối với ô tô nguyên chiếc. Đây là động thái mới trong nỗ lực giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội địa trước áp lực cạnh tranh từ nước ngoài.

Mỹ vừa chốt đơn hơn 1 tỷ USD một 'mỏ vàng' của Việt Nam: thuế nhập khẩu 25%, nước ta là ông lớn thứ 3 thế giới- Ảnh 1.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 nhóm hàng này của Việt Nam với hơn 1,03 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 562 triệu USD. 

Theo chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), các doanh nghiệp của Việt Nam có thế mạnh lớn trong sản xuất dây điện cho ô tô và thực tế đang là quốc gia xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới về mặt hàng này, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Việc các cường quốc công nghiệp ô tô tìm kiếm địa điểm sản xuất và cung ứng thay thế Trung Quốc tạo cơ hội lớn cho Việt Nam. Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động cạnh tranh và các hiệp định thương mại tự do đã trở thành điểm đến hấp dẫn.

Thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 350 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong số đó chiếm trên 60% là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô (214)… Việt Nam là đối tác xuất khẩu linh kiện với nhiều cường quốc sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Đức… Thông thường, giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam gấp 1,5 - 2 lần giá trị nhập khẩu linh kiện ô tô mà các doanh nghiệp Việt nhập về.

Bộ Công thương hoạch định, đến năm 2045, ngành này sẽ tập trung vào sản xuất xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu xanh. Mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu phương tiện và phụ tùng đạt khoảng 14 tỷ USD và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 36 tỷ USD. Theo nhận định, Việt Nam có thể vượt mục tiêu này sớm hơn 5 năm, do tốc độ tăng trưởng hai con số của lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng những năm gần đây.


Khánh Vy

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên