Một chuỗi phòng tập thể hình đóng cửa 10 chi nhánh chỉ trong một năm: Thị trường 'rèn múi, luyện cơ' đã hết hấp dẫn?
Thị trường phòng tập thể hình tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn sàng lọc tự nhiên, nơi không chỉ quy mô mà khả năng thích ứng với biến động mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của mỗi thương hiệu.
Lũ lượt đóng cửa
Giữa năm 2024, một phòng gym có tuổi đời hơn 14 năm, với hệ thống 3 chi nhánh tại TP HCM thông báo đóng của vì những lý do "bất khả kháng ngoài tầm kiểm soát". Sau vài tháng đóng của để tái cơ cấu, chuỗi mở lại 2/3 chi nhánh, nhưng founder vẫn quan ngại vì thị trường khó khăn.
Ngoài những chuỗi phòng tập có tuổi đời hàng chục năm, việc rầm rộ khai trương rồi âm thầm rút lui cũng là hoàn cảnh chung của nhiều chuỗi gym non trẻ.

Theo báo cáo về Xu hướng thị trường bán lẻ 2025 của Q&Me, trong vòng chưa đầy một năm, số lượng phòng gym trên cả nước giảm từ 105 xuống còn 88 cơ sở. Sự sụt giảm 17 cơ sở cho thấy một làn sóng sàng lọc đang diễn ra âm thầm, khi các thương hiệu không đủ sức duy trì vận hành dần biến mất khỏi bản đồ thể hình.
Khảo sát các chuỗi phòng gym cho thấy, các chuỗi nhỏ hoặc mới gia nhập thị trường là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chuỗi Kickfit Sport giảm từ 12 còn 2 phòng, S'Life GYM mất 5 điểm và Diamond Fitness Center giảm gần một nửa số lượng so với năm trước.
Trong khi, các ông lớn của ngành thể hình như California Fitness, Curves, EMS Fitness & Yoga giữ phong độ khá ổn định. Cụ thể, California giảm 1 cơ sở, vẫn giữ vị thế dẫn đầu với 36 chi nhánh. Curves, chuỗi hướng đến khách hàng nữ, ghi nhận mức tăng nhẹ lên 29 phòng. EMS Fitness & Yoga tiếp tục mở thêm 2 địa điểm mới, tập trung tại Hà Nội.
Xu hướng đóng cửa hoặc mở rộng cầm chừng của các chuỗi phòng tập thể hình phản ánh những thách thức trong việc phát triển ngành gym tại Việt Nam.
Bài toán nhiều "ẩn số"
Theo nghiên cứu của Ken Research (Ấn Độ), giá dịch vụ hội viên tại một số phòng tập tăng, trung bình 4%, trong khi, khách hàng lại có xu hướng "thắt lưng, buộc bụng" do tình hình kinh tế khó khăn.
Một khảo sát khác về thị trường Fitness tại Việt Nam của Cốc Cốc chỉ ra, ngân sách luyện tập hàng tháng của khách hàng có thể dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng. Do đó, các chuỗi phòng gym cao cấp không có nhiều dịch vụ gia tăng cho khách hàng khó thuyết phục người tập rút hầu bao.

Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt cũng khiến nhiều doanh nghiệp trong cuộc đua thị phần trong ngành này. Theo khảo sát của Vietdata năm 2023, hiện ngành gym Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 20%.
Thị trường cũng phân ra thành nhiều phân khúc, như phòng gym của những thương hiệu lớn dành cho những người có thu nhập cao, phân khúc phòng gym dành cho sinh viên, học sinh và những người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, phần lớn "miếng bánh" thị phần đa số nằm trong tay các thương hiệu cao cấp nên các phòng tập bình dân dù có quy mô lớn nhưng không chiếm tỷ lệ nhiều.
Ngoài việc cạnh tranh với các ông lớn vốn đã mạnh về tiềm lực, một số chuỗi phòng gym theo hướng tất cả trong một còn phải cạnh tranh với mô hình phòng tập "Private Gym". Đây là xu hướng phòng tập riêng tư cùng PT trong khung giờ nhất định để bảo đảm sự tập trung, nhắm đến khách thu nhập trung bình - cao.
"Có sự chuyển dịch từ dịch vụ phòng tập thể dục truyền thống sang các hoạt động như Zumba, pilates, yoga hay mô hình riêng tư hơn", Ken Research viết trong báo cáo.
Chưa kể, gần đây, các môn thể thao ngoài trời như chạy bộ, pickleball cũng hút một lượng lớn người tham gia. Năm 2024,"pickleball" trở thành từ khóa nổi bật khi thu về 189.000 lượt thảo luận, đánh dấu sự tăng trưởng lên đến 400% trong 8 tháng đầu năm. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 8, số lượng cuộc thảo luận liên quan đến bộ môn này tăng trưởng gấp 7 lần, đạt 49.100 lượt.

Với những đơn vị đầu tư phòng tập gym, giá thuê mặt bằng tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân gây "sức ép" đến tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp thể hình.
Anh Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc của một trung tâm thể hình có 2 chi nhánh tại Hà Nội cho biết, mặt bằng là một trong những chi phí chiếm tỷ trọng cao nhất trong cấu phần kinh doanh của doanh nghiệp thể hình. Đặc biệt, với những doanh nghiệp thuê mặt bằng tại các chung cư cao cấp, chi phí này còn lớn hơn.
Thực tế, khảo sát giá thuê mặt bằng thương mại của Savills chỉ ra, giá thuê mặt bằng tầng trệt trung tâm thương mại tại TPHCM, Hà Nội đều tăng so với cùng kỳ.
Có thể thấy, ngành gym tại Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức khi chi tiêu của người tiêu dùng bị thu hẹp, trong khi chi phí vận hành – đặc biệt là mặt bằng – tiếp tục tăng. Cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các chuỗi lớn, phòng tập riêng tư và xu hướng thể thao ngoài trời khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi. Bên cạnh đó, việc thiếu dịch vụ gia tăng và phân khúc thị trường bị chia nhỏ khiến các chuỗi bình dân khó mở rộng, còn chuỗi cao cấp lại khó giữ chân khách trong bối cảnh hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh.
An ninh tiền tệ