Lần đầu tiên sau 34 năm, một quốc gia châu Á bị Đức soán ngôi, mất vị trí "chủ nợ" lớn nhất thế giới
Ngày 27/5, Bộ Tài chính cho biết lần đầu tiên sau 34 năm, Nhật Bản không còn là chủ nợ lớn nhất thế giới, dù cho tài sản ròng ở nước ngoài tăng cao kỷ lục.
- 27-05-2025Chuyên gia kinh tế hàng đầu Phố Wall: Thị trường trái phiếu gióng hồi chuông cảnh báo nền kinh tế Mỹ về kịch bản khó lường
- 26-05-2025Chủ tịch Jerome Powell hối hận vì một sai lầm sau 13 năm làm việc tại Fed: ‘Tôi từng nghĩ đó là lựa chọn nhàm chán và vô dụng’
- 27-05-2025Cảng container bận rộn nhất nước Mỹ đón 'gió lạnh' vì thương chiến: Kho hàng dồn ứ vì không ai muốn chịu thuế 30%, hàng trăm nghìn người có thể mất việc
Vị trí chủ nợ lớn nhất thế giới của Nhật Bản đã bị Đức soán ngôi. Nguyên nhân một phần được cho là do đồng yên yếu.
Tổng tài sản bên ngoài của Nhật Bản tính đến cuối năm 2024 đã tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 533,05 nghìn tỷ yên (tương đương 3.700 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên con số này vượt mốc 500 nghìn tỷ yên, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 569,65 nghìn tỷ yên mà Đức đang nắm giữ.
Bộ Tài chính cho biết việc đồng yên mất giá đã làm tăng giá trị của các tài sản bằng ngoại tệ của Nhật Bản, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác. Trong khi đó, Đức được hưởng lợi từ thặng dư tài khoản vãng lai lớn.
Tài sản ở nước ngoài thuộc sở hữu của Nhật Bản đã tăng năm thứ 7 liên tiếp, với mức tăng 11,4% lên 1.659,22 nghìn tỷ yên.
Dữ liệu nhìn chung phản ánh xu hướng chung về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo Bộ Tài chính, vào năm 2024, các công ty Nhật Bản vẫn duy trì nhu cầu mạnh mẽ về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ và Anh. Bộ cho biết các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm và bán lẻ đã thu hút được nguồn vốn đáng kể từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong khi đó, nợ nước ngoài của Nhật cũng tăng 10,7%, lên 1.125,97 nghìn tỷ yên. Bộ Tài chính cho biết đồng USD được giao dịch ở mức 157,89 yên đổi 1 USD vào cuối năm 2024, tăng 11,7% so với mức 141,40 yên đổi 1 USD một năm trước đó.
Xét theo quốc gia và khu vực, Nhật Bản hiện đứng thứ hai thế giới về tài sản ròng nước ngoài, sau Đức. Trung Quốc xếp sau Nhật Bản với 516,28 nghìn tỷ yên. Trái lại, Mỹ ghi nhận mức nợ ròng đối với nước ngoài lên tới 4.109,26 nghìn tỷ yên, đồng nghĩa với việc các khoản nợ nước ngoài của Mỹ vượt xa tài sản mà nước này sở hữu ở nước ngoài.
Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết số liệu của các quốc gia khác đã được quy đổi sang đồng yên dựa trên tỷ giá hối đoái cuối năm 2024, theo công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trước mắt, xu hướng đầu tư ra nước ngoài có thể phụ thuộc vào việc các công ty Nhật Bản có tiếp tục mở rộng chi tiêu ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ hay không. Với các chính sách thuế bất định của Tổng thống Donald Trump, một số công ty có thể rời xa tài sản Mỹ để giảm thiểu rủi ro liên quan đến thương mại.
Theo Kyodo News
Nhịp Sống Thị Trường
CÙNG CHUYÊN MỤC
