MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiếm 20 triệu/tháng vẫn là mơ ước của nhiều người

18-05-2025 - 07:59 AM | Lifestyle

“Không phải ai cũng phải kiếm 20 triệu/tháng mới sống được. Quan trọng là tìm ra cách sống khiến mình vui, đủ sống và không nợ nần”.

Với nhiều người trẻ, đặc biệt là những ai mới ra trường, mức lương 20 triệu đồng/tháng từng được xem là “đích đến” sau vài năm đi làm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, để đạt được con số này không dễ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế biến động và thị trường lao động cạnh tranh gay gắt.

“Kiếm được 20 triệu/tháng đã khó, giữ được mức đó đều đặn mới khó gấp đôi”

Hưng (25 tuổi, nhân viên hành chính tại Bình Dương) tốt nghiệp một trường Đại học ngành Quản trị Kinh doanh. Sau khi ra trường, anh chàng xin được việc ở một công ty logistics với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng. Sau ba năm cố gắng và đổi qua hai công ty, hiện tại thu nhập của Hưng là khoảng 11 triệu đồng/tháng, bao gồm cả phụ cấp và tăng ca.

“Mình từng vạch ra kế hoạch rất rõ ràng, nghĩ rằng chỉ cần chăm chỉ, làm đúng ngành thì vài năm là có thể đạt lương 20 triệu. Nhưng sau thời gian đi làm, mình nhận ra để tăng lương nhanh thì cần nhiều yếu tố khác ngoài nỗ lực như năng lực nổi bật, mối quan hệ, kỹ năng mềm, hoặc làm ở lĩnh vực có biên độ lợi nhuận cao”, Hưng chia sẻ.

Kiếm 20 triệu/tháng vẫn là mơ ước của nhiều người- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo Hưng, ở các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, mức lương 11-12 triệu đồng là phổ biến với nhân viên văn phòng, còn những người thu nhập trên 20 triệu đồng thường là quản lý hoặc làm ngành IT, tài chính, hoặc có công việc tay trái.

“Trong nhóm bạn mình, chỉ khoảng 2-3 người có mức lương trên 20 triệu. Một bạn làm IT, một bạn làm tài chính ngân hàng ở TP.HCM. Còn lại mọi người đều kiếm được mức lương dưới 15 triệu/tháng. Với mức lương này, nếu chúng mình ở trọ và ăn uống tiết kiệm thì vẫn đủ sống, nhưng để dư ra tiết kiệm hay hỗ trợ bố mẹ thì rất khó”, Hưng nói thêm.

Một trường hợp khác, Trà Giang (24 tuổi, freelancer) từng làm nhân viên thiết kế cho một công ty thời trang với mức lương cố định 10 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian cảm thấy bí bách và thiếu sáng tạo, cô chuyển hướng làm freelancer, nhận các dự án thiết kế từ khách hàng trên nền tảng nước ngoài và mạng xã hội.

“Tháng nhiều thì mình có thể kiếm được 22-25 triệu, nhưng cũng có tháng chỉ tầm 12 triệu vì không có dự án nào. Mức thu nhập 20 triệu không phải là bất khả thi, nhưng khó ở chỗ làm thế nào để duy trì con số đó đều đặn hàng tháng”, Giang tâm sự.

Làm việc tự do giúp Giang chủ động về thời gian và môi trường, nhưng đi kèm là nhiều sự bất ổn. Cô kể có tháng phải thức trắng đêm để hoàn thành ba dự án cùng lúc vì khách yêu cầu gấp, cũng có tháng phải chờ mòn mỏi để khách thanh toán.

“Giờ mình mới hiểu, kiếm được 20 triệu/tháng đã khó, giữ được mức đó đều đặn mới khó gấp đôi. Mà khi thu nhập không đều, mình rất khó lên kế hoạch tài chính. Mình đã từng định mua một chiếc laptop mới nhưng phải trì hoãn vì sợ tháng sau không có khách”, Giang nói.

Khác với Hưng và Giang, Toàn đã đạt được mức lương trên 20 triệu đồng/tháng từ cách đây hai năm. Tuy nhiên, anh cho rằng mức thu nhập này đến từ những đánh đổi rất lớn về thời gian, sức khoẻ và sự cân bằng cuộc sống.

“Công việc của mình là giám sát công trình nên thường xuyên phải đi công tác, làm việc ngoài trời, nhiều hôm trực đêm. Tính trung bình, mỗi tháng mình làm trên 250 giờ. Nhờ vậy mình mới đạt được lương 23 triệu/tháng, chứ nếu làm đúng 8 tiếng/ngày thì chắc chỉ tầm 13-15 triệu”, Toàn nói.

Toàn kể, nhiều người bạn ngưỡng mộ vì anh có thu nhập tốt, có thể gửi tiền về quê cho bố mẹ và dành dụm được một khoản tiết kiệm nhỏ. Nhưng họ không biết rằng để có số tiền đó, anh gần như không có thời gian nghỉ ngơi, không thể duy trì các mối quan hệ xã hội hay đầu tư cho bản thân.

“Có tháng mình làm ở công trình vùng sâu, cách thành phố gần 300km, không sóng điện thoại, không Internet. Nửa tháng không nói chuyện với ai ngoài đồng nghiệp. Lúc đó nghĩ về bạn bè đi làm văn phòng êm ái, có thời gian học thêm, hẹn hò, mình cũng thấy chạnh lòng”, Toàn chia sẻ.

Kiếm 20 triệu/tháng vẫn là mơ ước của nhiều người- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Khi chưa thể đạt được mức lương mơ ước, làm sao để đối mặt với áp lực?

Không chỉ là câu chuyện tiền bạc, việc chưa đạt được mức thu nhập như kỳ vọng còn tạo ra áp lực tâm lý lớn, đặc biệt là khi người trẻ phải đối mặt với những hình ảnh “thành công sớm” trên các nền tảng mạng xã hội.

Hưng chia sẻ: “Mỗi lần lướt mạng xã hội, thấy bạn bè check-in nhà sang, xe xịn, ăn tối ở nhà hàng là lại thấy bản thân tụt hậu. Có giai đoạn mình không dám đăng bài gì vì sợ bị so sánh. Nhưng sau này, mình tự nhắc bản thân: mỗi người một hoàn cảnh, không thể dùng hình ảnh trên mạng để đánh giá cuộc sống thật”.

Để vượt qua áp lực, Hưng bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính rõ ràng hơn, tập trung vào học thêm kỹ năng như Excel nâng cao, tiếng Anh để có thể chuyển sang vị trí công việc tốt hơn.

“Mình nghĩ 20 triệu không phải mục tiêu bất khả thi. Nhưng nếu đặt mục tiêu đó lên hàng đầu mà không có lộ trình cụ thể, dễ sinh ra cảm giác chán nản. Mỗi năm tăng lương được vài triệu đã là tốt. Tập trung vào bản thân vẫn là quan trọng nhất”, Hưng nói.

Trong khi đó, với Toàn, mức lương 20 triệu đồng/tháng đi kèm với áp lực lớn khiến anh phải nhiều lần cân nhắc việc đổi nghề. “Mỗi lần về nhà chỉ kịp ngủ một đêm rồi đi công tác tiếp, mình bắt đầu thấy không đáng. Mình đã bỏ lỡ nhiều thời gian bên gia đình, không có một mối quan hệ nghiêm túc nào vì công việc chiếm quá nhiều thời gian”.

Gần đây, Toàn bắt đầu học thêm kỹ năng thiết kế để có thể chuyển dần sang công việc văn phòng. Anh hy vọng vài năm tới có thể chấp nhận lương thấp hơn một chút, đổi lại có thời gian cho bản thân.

Còn Giang cho rằng, sau một thời gian theo đuổi tiền bạc và các mục tiêu tài chính, cô bạn bắt đầu chuyển hướng suy nghĩ: “Mình từng rất áp lực vì thấy bạn bè đi làm công ty có lương ổn định, có bảo hiểm. Nhưng mình lại thích tự do. Mình chọn sống đơn giản, chi tiêu ít, bù lại có thời gian làm điều mình yêu thích”.

Cô bạn chia sẻ bản thân học cách đầu tư tài chính cơ bản, như gửi tiết kiệm, mua vàng để giữ giá trị tiền, và trích một phần nhỏ cho các khoá học trực tuyến để nâng cao kỹ năng.

“Không phải ai cũng phải kiếm 20 triệu/tháng mới sống được. Mỗi người có mức chi tiêu khác nhau. Quan trọng là tìm ra cách sống khiến mình vui, đủ sống và không nợ nần”, Giang nói.

Theo Vân Anh

Thanh niên Việt

Trở lên trên