Kết luận mới về sáp nhập huyện, xã: Phải tôn trọng kiến nghị của địa phương về tính đặc thù
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước.
- 05-03-2024Đề xuất mới liên quan tới sáp nhập huyện, xã ở 56 tỉnh thành
- 29-02-2024Sắp xếp 50 huyện và hơn 1.200 xã: Lắng nghe cơ sở, không máy móc
- 28-02-2024Phương án sáp nhập phường, xã của Hà Nội
Ngày 6/3, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 81/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ hệ trọng nhưng phức tạp, tác động lớn đến tâm lý của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan quán triệt quan điểm chỉ đạo đã được nêu tại các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước; rút gọn và thực hiện đồng thời các quy trình, thủ tục để bảo đảm tiến độ sắp xếp.
Các bộ, ngành trung ương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc xây dựng Đề án sắp xếp của từng địa phương cũng như quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ có cơ chế tiếp nhận thông tin từ địa phương, tổng hợp kết quả thực hiện, cũng như những khó khăn, vướng mắc; đồng thời chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ Đề án của các địa phương theo hướng ưu tiên các địa phương có số lượng thực hiện sắp xếp không nhiều, đã hoàn thiện xong Đề án sớm so với thời hạn yêu cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và đề xuất xử lý các vướng mắc đối với 10 địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh trước khi có Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có bổ sung đối tượng là các đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp) vào cuối quý I/2024.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong công tác quy hoạch và phân loại đô thị để bảo đảm tiến độ xây dựng và trình hồ sơ Đề án sắp xếp của các địa phương hoàn thành chậm nhất trong tháng 9/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiền phong
CÙNG CHUYÊN MỤC

Nguồn cải cách tiền lương còn dư 350.735 tỷ đồng, nhiều nơi chi chưa đúng
21:30 , 16/05/2025