MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kem chống nắng SPF 2,4 của Đoàn Di Băng bị thu hồi: Chỉ số thấp ảnh hưởng tới da thế nào?

18-05-2025 - 13:46 PM | Sống

Kem chống nắng SPF 2,4 của Đoàn Di Băng bị thu hồi: Chỉ số thấp ảnh hưởng tới da thế nào?

Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), SPF từ 30 đến 50 là đủ cho hầu hết mọi người khi hoạt động ngoài trời. Vậy SPF 2,4 thì sao?

Mới đây, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn quốc lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body. Sản phẩm này do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group do ông Nguyễn Quốc Vũ, chồng ca sĩ Đoàn Di Băng làm đại diện phân phối. Kết quả kiểm tra do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.Hồ Chí Minh thực hiện cho thấy, chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng của mẫu thử (SPF: 2,4)

Sự việc nhanh chóng gây xôn xao dư luận, không chỉ vì danh tiếng của người đại diện mà còn vì chỉ số SPF quá chênh lệch so với công bố có thể kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho làn da người dùng. Vậy SPF 2,4 nghĩa là gì? Và nếu dùng kem chống nắng có chỉ số thấp như vậy, làn da của chúng ta có thể gặp phải những vấn đề gì?

Kem chống nắng SPF 2,4 của Đoàn Di Băng bị thu hồi: Chỉ số thấp ảnh hưởng tới da thế nào?- Ảnh 1.

SPF 2,4 nghĩa là gì và bảo vệ được bao lâu?

Theo bài viết của Tiến sĩ Heather L. Brannon trên trang Verywell Health và British Skin Foundation, SPF là từ viết tắt của Sun Protection Factor (Chỉ số chống nắng). Đây là thước đo mức độ bảo vệ da khỏi tia UVB - loại tia cực tím gây cháy nắng và góp phần gây ung thư da. Chỉ số SPF cũng cho biết thời gian làn da được bảo vệ khỏi cháy nắng khi sử dụng kem chống nắng so với khi không dùng.

Ví dụ, nếu da bạn thường bắt đầu đỏ lên sau 10 phút tiếp xúc với ánh nắng, thì kem chống nắng SPF 30 có thể giúp kéo dài thời gian này lên khoảng 300 phút (10 phút x 30). Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong điều kiện lý tưởng, và thực tế có thể khác do nhiều yếu tố.

Mức độ bảo vệ của SPF được thể hiện qua các con số:

SPF 2: Chặn khoảng 50% tia UVB.

SPF 4: Chặn khoảng 75% tia UVB.

SPF 15: Chặn khoảng 93% tia UVB.

SPF 30: Chặn khoảng 97% tia UVB.

SPF 50: Chặn khoảng 98% tia UVB.

SPF 100: Chặn khoảng 99% tia UVB.

Có thể thấy, không có kem chống nắng nào chặn được 100% tia UV. Ngoài ra, chỉ số SPF càng cao không có nghĩa là bảo vệ tốt gấp đôi hay gấp ba, mà mức độ tăng thêm thường rất nhỏ.

Kem chống nắng SPF 2,4 của Đoàn Di Băng bị thu hồi: Chỉ số thấp ảnh hưởng tới da thế nào?- Ảnh 2.

Việc chọn chỉ số SPF cũng phụ thuộc vào loại da, mức độ tiếp xúc với ánh nắng và hoạt động hàng ngày của người sử dụng. Các bác sĩ da liễu thường khuyên dùng kem chống nắng có ít nhất SPF 30 cho hầu hết mọi người. Nếu bạn có làn da nhạy cảm, dễ cháy nắng hoặc thường xuyên ở ngoài trời, hãy cân nhắc SPF 50 hoặc cao hơn.

Như vậy, mặc dù sản phẩm kem chống nắng có mức SPF là 2,4 theo lý thuyết có thể ngăn chặn khoảng 50% tia UVB nhưng con số này không hề được các chuyên gia khuyến khích lựa chọn cho 1 sản phẩm kem chống nắng vì hiệu quả bảo vệ vẫn còn nhiều rủi ro. Việc này đặc biệt nguy hiểm khi người dùng phải tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài, như khi đi biển, leo núi hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời.

Nếu sử dùng sản phẩm này hàng ngày trong thành phố, chuyện gì sẽ xảy ra?

Nhiều người thường có thói quen chủ quan rằng: "Mình chỉ đi làm văn phòng, ra ngoài ngồi ô tô thì không cần loại SPF quá cao". Tuy nhiên, việc dùng kem chống nắng gần như không có khả năng bảo vệ lại kéo theo rất nhiều hệ quả lâu dài.

Thử tượng tượng, làn da của bạn tưởng chừng như đã được bảo vệ nhưng thực tế vẫn "trần trụi" dưới tia UV sẽ dễ bị xỉn màu, mất nước, yếu cấu trúc ra sao. Cùng với đó, hiệu ứng tích tụ khiến làn da nhanh chóng bị lão hoá, xuất hiện nám, đốm nâu, tàn nhang, kể cả khi bạn không thật sự cảm thấy nóng rát mỗi ngày. Sau cùng, tâm lý đã bôi kem rồi còn khiến người dùng chủ quan không chủ động che chắn thêm, sẽ càng làm tổn thương da sâu hơn.

Kem chống nắng SPF 2,4 của Đoàn Di Băng bị thu hồi: Chỉ số thấp ảnh hưởng tới da thế nào?- Ảnh 3.

Hiểu lầm phổ biến khi sử dụng kem chống nắng của một số người chính là cho rằng: SPF cao cho phép họ ở ngoài nắng lâu hơn mà không cần thoa lại. Đây là quan niệm sai lầm. Các chuyên gia khuyến cáo nên thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ, hoặc ngay sau khi bơi, đổ mồ hôi hay lau khô người, bất kể chỉ số SPF là bao nhiêu.

Ngoài ra, nhiều người cũng không thoa đủ lượng kem chống nắng cần thiết. Trung bình, một người trưởng thành cần khoảng 30ml (tương đương một ly nhỏ) để phủ kín toàn thân. Nếu thoa quá ít, hiệu quả bảo vệ sẽ giảm đáng kể.

Nếu dùng sản phẩm này khi đi du lịch biển, leo núi...?

Nếu chỉ số SPF 2,4 đã không đủ trong thành phố, thì khi đem sản phẩm này ra biển, leo núi hay di chuyển dưới ánh nắng gắt, hậu quả sẽ nhìn thấy tức thì và rõ rệt.

Tia UV tại vùng biển hoặc khu vực cao như Đà Lạt, Sapa thường mạnh hơn trung bình từ 20 - 30%. Trong trường hợp đó, da có thể bị cháy nắng chỉ sau 10 - 15 phút, đặc biệt ở những vùng nhạy cảm như mặt, cổ, vai, gáy. Cảm giác rát, châm chích, đỏ tấy còn xảy ra rất nhanh, dễ dẫn đến phồng rộp hoặc bong tróc da. Và nếu hành động này lặp lại trong các chuyến du lịch dài ngày, da sẽ tích tụ tổn thương sâu, thậm chí tăng nguy cơ ung thư da về lâu dài.

Kem chống nắng SPF 2,4 của Đoàn Di Băng bị thu hồi: Chỉ số thấp ảnh hưởng tới da thế nào?- Ảnh 4.

Tóm lại, sai lệch chỉ số SPF không phải chỉ là vấn đề về giá cả của sản phẩm, mà có thể trở thành rủi ro sức khoẻ cho chính bạn.

Để tránh rơi vào tình huống bị "bôi nhầm", người dùng nên: Lựa chọn thương hiệu mỹ phẩm uy tín, có kiểm định lâm sàng rõ ràng. Và đặc biệt, luôn chủ động che chắn, dưỡng phục hồi cho da dù đã thoa chống nắng. 

Theo CHHRIST

Phụ nữ số

Trở lên trên