MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hòa Phát, Đức Giang, Vinamilk... sẽ chi thêm bao nhiêu sau khi giá điện điều chỉnh tăng 4,8%?

13-05-2025 - 00:45 AM | Doanh nghiệp

Hòa Phát, Đức Giang, Vinamilk... sẽ chi thêm bao nhiêu sau khi giá điện điều chỉnh tăng 4,8%?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, nâng mức giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh.

Từ ngày 10/5/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, nâng mức giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần điều chỉnh thứ hai kể từ năm 2023, nâng tổng mức tăng trong vòng ba năm qua lên hơn 17%.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: Nếu như trước đây khoảng 2 năm tăng giá điện một lần với mức tăng khoảng 6%-8% thì những năm gần đây tần suất tăng giá điện trở nên nhanh hơn do chi phí sản xuất điện tăng nhanh. Giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ.

Mặc dù giá dầu, khí, than trong xu hướng giảm nhưng tỷ giá tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đợt tăng giá lần này, và một phần để bù đắp khó khăn tài chính của Tập đoàn EVN những năm gần đây.

Việc điều chỉnh giá điện tăng, có một số doanh nghiệp phát điện hưởng lợi, chủ yếu do khả năng thanh toán của EVN cải thiện, hỗ trợ dòng tiền và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhóm xây lắp điện có thể hưởng lợi khi tình hình tài chính EVN cải thiện, các dự án nguồn, lưới điện có thể được thực hiện tốt hơn.

Nhóm doanh nghiệp bị tác động tiêu cực như: xi măng, thép, hóa chất, giấy. Vì chi phí điện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của các doanh nghiệp này nên việc tăng giá điện ở mức 4,8% sẽ làm tăng chi phí.

Hòa Phát, Đức Giang, Vinamilk... sẽ chi thêm bao nhiêu sau khi giá điện điều chỉnh tăng 4,8%?- Ảnh 1.

Theo số liệu năm 2024, các nhà máy điện nhiệt dư thuộc hai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất có tổng lượng điện phát đạt 3,18 tỷ kWh, tăng 29% so với cùng kỳ, giúp Hòa Phát tự chủ trên 90% lượng điện cho sản xuất.

Riêng tại Dung Quất, ngày 05/02/2025, Nhà máy Nhiệt điện – Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất chính thức cán mốc sản lượng điện lũy kế từ khi hoạt động đến tháng 4/2025 là 10 tỷ kWh, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Tổng lượng điện phát tự chủ được của Hòa Phát tại hai Khu liên hợp Hải Dương và Dung Quất tương đương một nhà máy nhiệt điện tầm trung, quy đổi theo giá điện 2024, sản lượng phát điện năm 2024 có giá trị khoảng 5.400 tỷ đồng.

Với khoảng 100 đồng tăng thêm sau điều chỉnh, Hòa Phát chỉ mất thêm khoảng 28-30 tỷ đồng tiền điện tại các khu liên hợp này.

Một doanh nghiệp khác cũng có lượng tiêu thụ điện rất lớn là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) với 992 triệu kwh trong năm 2024, tăng 7,5% so với năm 2023.

Khi giá điện tăng, Đức Giang mất thêm chi phí điện khoảng gần 100 tỷ đồng. Con số này so với doanh thu thuần năm 2024 là 9.864 tỷ hay lợi nhuận trước thuế là 3.400 tỷ đồng thì không đáng kể.

Hòa Phát, Đức Giang, Vinamilk... sẽ chi thêm bao nhiêu sau khi giá điện điều chỉnh tăng 4,8%?- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn nhất khác như Tôn Đông Á, Đạm Hà Bắc (DHB), Vinamilk (VNM), ... nằm trong khoảng từ 100 đến 300 triệu kwh/năm. Chi phí điện tăng thêm của các doanh nghiệp này khoảng 10 tỷ đến 30 tỷ đồng.

Tóm lại, ảnh hưởng của việc tăng giá điện là có tuy nhiên không lớn nhờ tiền điện gia tăng không lớn cùng với nhiều doanh nghiệp đỡ được 1 phần đáng kể tiền điện nhờ đầu tư điện mặt trời, CNG, Biomass,...

Tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, giá điện tăng cũng gây thêm gánh nặng chi phí khá lớn.

Chia sẻ với báo Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương Mại Thuận Phước cho biết, ngành chế biến thủy sản có đặc thù là sử dụng rất nhiều điện, nhất là phải duy trì liên tục kho lạnh cấp đông.

Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả trung bình khoảng 1,5-2 tỷ đồng tiền điện, phụ thuộc vào sản lượng sản xuất và mức tiêu thụ điện năng thực tế.

Ông Lĩnh cho biết, giá bán lẻ điện cho kinh doanh tăng thêm đáng kể từ ngày 10/5, theo tính toán của doanh nghiệp này, điều này có thể khiến doanh nghiệp phát sinh thêm khoảng cả trăm triệu tiền điện mỗi tháng.

Bên cạnh đó, chia sẻ với Vnbusiness, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, ngành dệt may – vốn sử dụng máy móc và năng lượng cao trong các công đoạn như dệt, nhuộm đang phải gồng mình vì chi phí đầu vào tăng.

Ông Việt nói: “Giá điện tăng góp phần đẩy giá thành sản phẩm lên, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế”.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng trong tâm thế lo lắng trước diễn biến giá điện tăng, nhất là trong thời điểm nắng nóng đang đạt đỉnh.

Phương Anh

markettimes.vn

Trở lên trên