Giám đốc Kinh doanh số VPBankS: Cơ hội tốt nhất mua cổ phiếu rẻ đã qua, nhà đầu tư cần quen với mặt bằng giá mới

Theo ông Đức, đà tăng ấn tượng của VIC mới chỉ bắt đầu, và nhà đầu tư không nên kỳ vọng xu hướng này sớm dừng lại.
Như năm 2009 hay 2022, VN-Index đang bứt phá từ đáy
Thị trường chứng khoán Việt Nam bật tăng mạnh trong phiên giao dịch 20/5, qua đó vượt mốc 1.315 điểm cùng lan tỏa sắc xanh trên diện rộng. Lực cầu mạnh mẽ cùng tâm lý hứng khởi sau các thông tin vĩ mô tích cực, đã giúp nhiều nhóm ngành bứt phá. Trong đó, các cổ phiếu dẫn dắt như VIC đóng vai trò "đầu tàu" kéo điểm chỉ số.
Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đưa ra nhận định đáng chú ý rằng VIC chưa đạt đỉnh.
Theo ông Đức, đà tăng ấn tượng của VIC mới chỉ bắt đầu, và nhà đầu tư không nên kỳ vọng xu hướng này sớm dừng lại. Với VIC, khi nào cổ phiếu này mất đường MA50 thì mới có thể đạt đỉnh.
Một tháng trước khi thị trường chạm đáy, vị chuyên gia đã có nhận định rằng cổ phiếu dẫn dắt sẽ còn dẫn dắt trong cả năm. Nhà đầu tư đã mua vào VIC với giá 55.000 đồng/cp đã có mức sinh lời tới hơn 60% chỉ trong 1 tháng.
Mức giá 80.000, 100.000 hay 120.000 đồng/cp là hoàn toàn do xu thế của thị trường, cùng nhóm VHM, VRE. Những cổ phiếu tăng giá trong phiên này đều sẽ là cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm, bao gồm nhóm BĐS (VIC, VHM, VRE), nhóm ngân hàng (VPB, TCB, ACB và HDB), nhóm bán lẻ (MWG, VNM)…

Diễn biến cổ phiếu VIC
Liên quan tới phiên đàm phán thuế quan với Mỹ, vị chuyên gia đưa ra góc nhìn tích cực.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có thể chấp nhận được mức thuế quan hơn 20%, không chịu ảnh hưởng quá nhiều. Trong năm nay, Việt Nam có những bệ đỡ như nợ công thấp, tăng trưởng tín dụng tốt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn giúp tăng trưởng kinh tế tích cực.
Nhờ thông tin tích cực, thị trường đã quay đầu rất nhanh. Ngày 9/4, thị trường từng nghĩ đến những kịch bản xấu, chẳng hạn như VN-Index về 1.000 điểm. Nhưng sau đó, VN-Index đã tăng, sánh ngang với những đợt hồi phục từ đáy những năm 2009 hay 2022.
" Đợt hồi phục này khẳng định triển vọng tích cực của VN-Index, không chỉ đối với NĐT trong nước mà còn cả NĐT nước ngoài – những người bán ròng 6 tỷ USD trong hai năm qua và NĐT có quan điểm bearish (tiêu cực) ", ông Đức quan điểm.
Đồng thời, vị chuyên gia nhận định rằng tháng 4 vừa qua là cơ hội tốt nhất để NĐT mua vào với giá rẻ. Còn từ nay trở đi, cần chấp nhận rằng phải mua cổ phiếu với giá đắt hơn.
Thị trường kỳ vọng có thêm "hàng hóa" mới, thu hút nhà đầu tư ngoại
Mặt khác, về các thương vụ niêm yết mới, chuyên gia VPBankS cho biết trong nhiều năm vừa qua, thị trường không có thương vụ IPO nào lớn, trong năm nay mới có trường hợp của VPL. Gần đây, Sungroup cũng rục rịch đưa các báo cáo tài chính. Ông Đức kỳ vọng những tập đoàn lớn như Sungroup có thể lên sàn, giúp thị trường có thêm hàng hóa mới, thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Các tập đoàn nhà nước có nhiều cơ hội để vay vốn cho những dự án lớn, trong khi doanh nghiệp tư nhân phải có vốn đối ứng (vốn chủ sở hữu). Khi lên sàn, doanh nghiệp tư nhân có thể tăng vốn chủ sở hữu và có nhiều cơ hội hơn để phát triển.
Trong những năm vừa qua, Nhà nước ngày càng quan tâm tới lĩnh vực kinh tế tư nhân. Từ đầu năm, Thủ tướng đã họp hai lần với 26 tập đoàn kinh tế tư nhân. Sau mỗi lần họp, nếu mua vào cổ phiếu của các tập đoàn này, NĐT đều thắng lớn. Chẳng hạn như cổ phiếu họ Vin, Gelex, SHB,... Những cổ phiếu này hiện đều tăng khoảng 50%.
Theo ông Đức, những diễn biến này cho thấy thị trường chứng khoán rất nhạy. Bởi vậy, ngay khi có sự thay đổi về mặt thông tin, NĐT cần mua vào, còn nếu đợi đến khi được phản ánh trong kết quả kinh doanh thì đã là đỉnh. Do đó, cần chấp nhận rủi ro khi nhận định được xu thế mới: tập trung vào kinh tế tư nhân, nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Nhịp sống thị trường