Doanh nghiệp cảng biển lớn nhất Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng chọn đối tác Pháp CMA CGM để thực hiện dự án 13.000 tỷ tại Hải Phòng

Cảng HICT do Tân Cảng Sài Gòn đầu tư tại bến số 1,2 Lạch Huyện
Công ty vận tải biển CMA CGM, vốn là hãng tàu container lớn nhất nước Pháp, là công ty đứng thứ ba thế giới về khối lượng vận chuyển theo đơn vị TEU.
Ngày 26/5, Công ty vận tải biển CMA CGM vừa công bố sẽ hợp tác cùng Tân Cảng Sài Gòn, là doanh nghiệp quốc phòng cung cấp dịch vụ hậu cần hàng đầu Việt Nam, để phát triển dự án bến số 7, số 8 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng.
2 bên sẽ hợp tác về thiết kế, xây dựng, và vận hành dự án cảng nước sâu này. Mục tiêu là sẽ vận hành cảng từ năm 2028, để phục vụ khối lượng hàng hóa lưu thông đang tăng dần ở Việt Nam. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp CMA CGA có thể khai thác lâu dài ở Việt Nam, khi Việt Nam đang trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng trong khu vực.
CMA CGA đã hoạt động ở Việt Nam từ 1989, hiện đang vận hành 29 tuyến dịch vụ hàng tuần tại bảy cảng trên toàn quốc. CMA CGM là đồng sở hữu cảng Gemalink tại Cái Mép và Cảng Container Quốc Tế Việt Nam (VICT) tại TP. Hồ Chí Minh.
Tân Cảng Sài Gòn nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án từ tháng 5/2023. Tổng vốn đầu tự của dự án khoảng 12.793 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư (Tân Cảng Sài Gòn) khoảng 1.919 tỷ đồng; vốn huy động khoảng 10.873,741 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.
Quy mô dự án bao gồm: Đầu tư xây dựng 2 bến có chiều dài 900m (mỗi bến dài 450m), tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus; 1 bến sà lan dài 200m, tiếp nhận sà lan sức chở 160 Teus; hệ thống thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.
Dự án sử dụng đất, mặt nước khoảng 79,86ha (bao gồm khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải khoảng 22,332ha).
Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, dự án có thể đạt công suất hàng qua cảng dự kiến khoảng 1,9 triệu teus/năm; sử dụng khoảng 600 lao động.
Tân Cảng Sài Gòn cho biết sản lượng container qua các cảng tại khu vực Hải Phòng tăng trung bình 15% mỗi năm.
Theo số liệu từ Chi cục thống kê Hải Phòng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 4/2025 ước đạt 14,327 triệu tấn thông qua (TTQ), tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố đạt 52,837 triệu TTQ, tăng 8,06% so với cùng kỳ năm 2024.
Doanh thu cảng biển 4 tháng đầu năm 2025 đạt 2.419,26 tỷ đồng, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Tại khu vực Lạch Huyện, Tân Cảng Sài Gòn cũng là cổ đông chính nắm 51% vốn của Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hải Phòng (HICT) - đơn vị đầu tư bến cảng số 1 và số 2, khai thác từ năm 2018, công suất khoảng 1,5 triệu Teu/năm. Phần vốn còn lại đến từ các đối tác Mitsui OSK Lines, Itochu và Wan Hai Lines.
Bến số 3 và 4 do Công ty CP Cảng Hải Phòng, thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025 với công suất 1,1 triệu Teu/năm.
Bến số 5 và 6 do Công ty CP Tập đoàn Hateco đầu tư 6.425 tỷ đồng, mới khánh thành và đi vào khai thác đầu năm 2025, tiếp nhận tàu đến 18.000 Teu.
Nhịp sống thị trường