MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Địa phương lọt 'mắt xanh' các tập đoàn Nhật Bản, Trung Đông cho dự án nhà máy lọc dầu lớn nhất Đông Nam Á trị giá 5 tỷ USD: Kinh tế tăng trưởng ra sao?

Mới đây, tại TPHCM, Tập đoàn KOGI, Madza Oil (Nhật Bản) và các tập đoàn đến từ Trung Đông đã ký kết các thỏa thuận đầu tư – hợp tác chiến lược vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng năng lượng, sản xuất công nghiệp và logistics tại TPHCM và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á...

Theo đó, dự kiến tổng khoản đầu tư thỏa thuận cho các dự án lên tới hơn 6 tỷ USD. Theo đó, ba dự án đầu tư chiến lược lớn đang được xúc tiến đầu tư gồm xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Vũng Áng (Việt Nam) đến Thủ đô Viêng Chăn (Lào) với tổng mức đầu tư dự kiến từ 500 triệu đến 700 triệu USD; Xây dựng nhà máy lọc dầu và kho chứa dầu quy mô lớn tại TP.HCM với số vốn dự kiến 5 tỷ USD và dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho động cơ đốt trong triệt tiêu khí thải bằng công nghệ Hydrogen cũng tại TP.HCM với mức đầu tư giai đoạn đầu dự kiến 1 tỷ USD.

Tương tự, các tập đoàn lớn đến từ Trung Đông cũng đánh giá rất cao tiềm năng hợp tác đầu tư với Việt Nam. Đồng thời kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm mới môi trường đầu tư để ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam.

TPHCM đang có tình hình kinh tế tăng trưởng ra sao?

Kết thúc năm 2024, TP HCM đã khẳng định vị thế là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại lớn nhất của cả nước bằng những con số biết nói, như: GRDP tăng 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng.

Sang đến quý 1/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM ước tăng 7,51% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay. Theo đó, tăng trưởng đến từ sự khởi sắc ở hầu hết các khu vực. Trong đó, dịch vụ tăng 8,72%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,94%, nông lâm thủy sản duy trì tăng nhẹ 0,27%. Điều này phản ánh nền kinh tế thành phố phục hồi rõ nét, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.

Theo số liệu mới nhất của Chi cục Thống kê TP.HCM, tổng vốn đầu tư FDI vào Thành phố 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1.425 triệu USD, tăng 78,2% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI cấp mới có 333 dự án, tăng 14% và vốn đăng ký đạt 421,8 triệu USD, tăng 265,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản với 04 dự án, vốn đăng ký là 295,7 triệu USD, chiếm 70,1% tổng vốn cấp phép mới; kế đến ngành công nghiệp với 10 dự án, vốn đăng ký là 50 triệu USD, chiếm 11,9%; ngành thương mại với 179 dự án, vốn đăng ký là 44,6 triệu USD, chiếm 10,6%.

Theo đối tác đầu tư, Singapore là quốc gia dẫn đầu về vốn đăng ký dự án cấp phép mới với 50 dự án, vốn đăng ký đạt 319,7 triệu USD, chiếm 75,8% tổng vốn cấp phép mới; tiếp đến Hà Lan với 03 dự án, vốn đăng ký đạt 42,5 triệu USD, chiếm 10,1%; Trung Quốc với 94 dự án, vốn đăng ký đạt 21,3 triệu USD, chiếm 5%; Nhật Bản với 29 dự án, vốn đăng ký đạt 20,9 triệu USD, chiếm 4,9%.

Điều chỉnh vốn đăng ký có 89 dự án, tăng 85,4% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 334 triệu USD, tăng 484,9%. Trong đó, ngành chuyên môn, khoa học công nghệ với 17 dự án, vốn điều chỉnh tăng 143,4 triệu USD, chiếm 42,9% tổng vốn đăng ký điều chỉnh; kế đến ngành thương mại với 49 dự án, vốn đăng ký 112,9 triệu USD, chiếm 33,8%; ngành thông tin và truyền thông có 12 dự án, vốn đăng ký 54,6 triệu USD, chiếm 16,3%. Singapore là quốc gia có số vốn điều chỉnh tăng cao nhất đạt 103,2 triệu USD, chiếm 30,9% tổng vốn điều chỉnh; tiếp đến là Hoa Kỳ đạt 74,4 triệu USD, chiếm 22,3%; Nhật Bản đạt 47,3 triệu USD, chiếm 14,2%.

Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp (gọi tắt là góp vốn) có 528 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn đạt 669,2 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 316,8 triệu USD, chiếm 47,3% vốn góp; kế đến ngành vận tải kho bãi đạt 122,5 triệu USD, chiếm 18,3%; ngành thương mại đạt 52,1 triệu USD, chiếm 7,8%. Singapore và British Virgin Islands là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 36% và 28,7%.

Lũy kế từ ngày 01/01/1988 đến ngày 31/3/2025, trên địa bàn Thành phố có 13.856 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn hơn 59,44 tỷ USD (Thành phố dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước); có 29.579 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 30,3 tỷ USD. Tính chung tổng vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, điều chỉnh vốn và góp vốn vào Thành phố đạt gần 89,74 tỷ USD.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 34, khóa XI, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10% và kinh tế số đóng góp trên 25% GRDP. Trong khi đó, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của Thành phố là 8,5%.

Hoàng Nguyễn

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên