MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi gửi 15 tỷ tiền đền bù đất, chiều đến rút thì số dư chỉ còn 0 đồng, ngân hàng tuyên bố “Lỗi thuộc về anh chị”

16-05-2025 - 05:28 AM | Sống

Người phụ nữ bàng hoàng vì mất số tiền tích góp cả đời.

Cuối năm 2023, một vụ việc gây chấn động đã xảy ra tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Một cặp vợ chồng sau khi nhận tiền đền bù đất đã đem toàn bộ số tiền (~15 tỷ đồng) đi gửi tiết kiệm. Chỉ vài tiếng sau, khi quay lại ngân hàng để kiểm tra tài khoản, họ phát hiện toàn bộ số tiền đã biến mất. Điều đáng nói, phía ngân hàng phủ nhận trách nhiệm và cho rằng khách hàng mới là bên có lỗi.

Mất trắng chỉ sau vài giờ gửi tiết kiệm

Theo truyền thông Trung Quốc, hai vợ chồng ông Vương và bà Trương sống tại Vũ Hán đã nhận được khoản tiền đền bù phá dỡ nhà đất lên tới 3,9 triệu nhân dân tệ. Do lo sợ rủi ro khi cất giữ lượng lớn tiền mặt trong nhà, họ đã quyết định mang toàn bộ số tiền đến một chi nhánh ngân hàng lớn gần khu dân cư để gửi tiết kiệm.

Sáng hôm đó, thủ tục gửi tiền diễn ra suôn sẻ dưới sự hướng dẫn của một nhân viên ngân hàng họ Trịnh. Hai vợ chồng được thông báo rằng tiền sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 1 năm với lãi suất cố định, đồng thời được cấp sổ tiết kiệm in rõ số tiền gửi cùng ngày tháng cụ thể.

Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, bà Trương quay lại ngân hàng để yêu cầu thay đổi kỳ hạn gửi tiền. Tại đây, một nhân viên khác kiểm tra tài khoản và thông báo rằng sổ tiết kiệm của bà không còn số dư. Theo hệ thống, toàn bộ 3,9 triệu nhân dân tệ đã được rút hết chỉ vài giờ sau khi gửi.

Ngân hàng đổ lỗi cho khách hàng

Trước sự việc bất thường, vợ chồng ông Vương lập tức yêu cầu làm rõ. Trong khi hai người khẳng định không hề rút tiền, phía ngân hàng lại đưa ra lập luận rằng chính khách hàng đã ký vào giấy uỷ quyền rút toàn bộ số tiền vào buổi trưa cùng ngày.

Qua kiểm tra camera an ninh, cặp vợ chồng càng hoang mang hơn khi phát hiện người xuất hiện tại quầy giao dịch để rút tiền không hề giống bất kỳ ai trong gia đình. Dựa trên dữ liệu đối chiếu, người thực hiện giao dịch rút tiền có giấy tờ và chữ ký trùng khớp, nhưng gương mặt lại hoàn toàn xa lạ.

Trước những bằng chứng này, ông Vương yêu cầu ngân hàng chịu trách nhiệm và hoàn tiền. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại kiên quyết khẳng định đã làm đúng quy trình, mọi thủ tục đều có đủ chữ ký và giấy tờ hợp lệ. Đại diện chi nhánh còn tuyên bố: “Về pháp lý, ngân hàng không vi phạm quy định. Chúng tôi không thể chịu trách nhiệm về các sai sót xuất phát từ phía khách hàng”.

Đi gửi 15 tỷ tiền đền bù đất, chiều đến rút thì số dư chỉ còn 0 đồng, ngân hàng tuyên bố “Lỗi thuộc về anh chị”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngay sau khi vụ việc được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, dư luận lập tức bày tỏ sự phẫn nộ. Nhiều người cho rằng ngân hàng đã buông lỏng khâu giám sát nhân sự và dễ dàng để kẻ gian lợi dụng sơ hở trong hệ thống.

Theo luật sư Lý Vệ Đông (chuyên gia pháp lý tại Bắc Kinh) vụ việc này có nhiều dấu hiệu vi phạm hợp đồng dân sự. Dựa trên quy định tại Điều 577, Bộ luật Dân sự Trung Quốc, khi một bên trong hợp đồng, ở đây là ngân hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ giữ tiền, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Ngoài ra, theo Luật Trách nhiệm dân sự, nếu thiệt hại xảy ra trong quá trình nhân viên thực hiện công việc, đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp ngân hàng cho rằng nhân viên có hành vi gian lận thì vẫn phải giải quyết hậu quả với tư cách là bên có trách nhiệm dân sự, sau đó có thể khởi kiện cá nhân đó để thu hồi khoản tiền đã mất.

Nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo rằng, mặc dù hệ thống ngân hàng hiện đại và an toàn hơn nhiều so với việc giữ tiền mặt, nhưng khách hàng cũng cần tỉnh táo và cẩn trọng khi gửi các khoản tiền lớn. Việc yêu cầu ngân hàng xác nhận rõ ràng từng giao dịch, lưu lại chứng cứ, đối chiếu thông tin với hệ thống điện tử và yêu cầu kiểm tra định kỳ là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, trong những trường hợp gửi số tiền lớn, khách hàng nên đề nghị lập hợp đồng gửi tiền chi tiết, kèm theo xác thực chữ ký và mã hóa bảo mật. Một số ngân hàng hiện nay có cơ chế gửi tiền bằng chữ ký điện tử kết hợp xác minh sinh trắc học, điều này có thể giúp hạn chế các vụ giả mạo.

Về phía ông Vương và bà Trương, sau khi không tìm được tiếng nói chung với ngân hàng, hai người đã gửi đơn khiếu nại lên cơ quan giám sát tài chính tại địa phương và đồng thời chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số tiền đền bù của họ vẫn chưa được hoàn trả.

Vụ việc đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận và đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm bảo vệ tài sản khách hàng của các ngân hàng tại Trung Quốc. Khi lòng tin bị lung lay bởi chính nơi được xem là nơi giữ tiền an toàn nhất, hệ thống tài chính cũng cần có câu trả lời thỏa đáng.

Theo 163.com

Theo Nguyệt

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên