Đề xuất mới liên quan đến thẩm quyền cho vay đặc biệt với lãi suất 0%
Chính phủ đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ về Ngân hàng Nhà nước.
- 20-05-2025Mặt bằng lãi suất chịu nhiều sức ép
- 18-05-2025Gửi tiết kiệm ở đâu hưởng lãi suất từ 7%/năm trở lên?
- 18-05-2025Dự báo xu hướng lãi suất tiết kiệm, cho vay thời gian tới
Nợ xấu đang gây sức ép lớn đến hệ thống ngân hàng
Sáng 20/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng .
Trình bày tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát, nợ xấu trong hệ thống tín dụng vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Như Ý
Chính phủ cho rằng, việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42, vốn là giải pháp thí điểm xử lý nợ xấu là cần thiết để đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thống đốc cũng cho hay, dự luật đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ về Ngân hàng Nhà nước.
Theo bà Hồng, mục tiêu của đề xuất này nhằm rút ngắn quy trình, đảm bảo phản ứng nhanh trong bối cảnh khẩn cấp, tăng tính chủ động cho Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo an ninh hệ thống tổ chức tín dụng .
Đề xuất này cũng phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền trong cải cách hành chính và được nhiều cơ quan chức năng thống nhất ủng hộ.
Làm rõ tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt
Trình bày thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hợp hiến và khả thi trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Về việc luật hóa ba chính sách tại Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu, ông Mãi cho hay, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đồng tình với giải trình của Chính phủ nhưng cũng cảnh báo nguy cơ tổ chức tín dụng lợi dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm để nới lỏng điều kiện cho vay , dẫn đến cấp tín dụng sai quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Như Ý
Theo đó, cơ quan thẩm tra kiến nghị quy định rõ các điều kiện để thu giữ tài sản bảo đảm, vai trò hỗ trợ của UBND và công an cấp xã nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình thu giữ, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Về cơ chế cho vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm, cơ quan thẩm tra đồng tình với đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị quy định rõ ràng tiêu chí, điều kiện cho vay, trình tự thủ tục và cơ chế kiểm soát để phòng ngừa rủi ro và tổn thất. Đồng thời, cần sửa đổi các quy định liên quan để đồng bộ với thẩm quyền mới của Ngân hàng Nhà nước.
Về việc kê biên tài sản đang dùng làm tài sản bảo đảm trong các vụ thi hành án, cơ quan thẩm tra nhất trí cần quy định cụ thể để không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên thứ ba. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án và tổ chức tín dụng cũng cần được Chính phủ quy định chi tiết.
Liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng hoặc tang vật vi phạm hành chính, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát kỹ để tránh mâu thuẫn pháp lý, nhất là trong các trường hợp tài sản có giá trị lớn hoặc liên quan đến nhiều nghĩa vụ bảo đảm.
Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm tra đề nghị nên giao Chính phủ và Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn cụ thể.
Tiền phong
CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngày 20/5: Ngân hàng đồng loạt nâng giá USD, đô la tự do cũng bật tăng
10:20 , 20/05/2025
Mặt bằng lãi suất chịu nhiều sức ép
09:48 , 20/05/2025