MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp: Lo ngại biến tướng

22-05-2025 - 20:27 PM | Bất động sản

Việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp chắc chắn sẽ bị biến tướng. Một số đối tượng sẽ lợi dụng chính sách để vi phạm, biến nơi phục vụ trực tiếp sản xuất thành chỗ ở.

UBND TP. Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến về việc cho phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng cây hằng năm khác, đất trồng cây lâu năm theo quy định tại khoản 3, Điều 178 Luật Đất đai .

Theo đề xuất, để được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, người sử dụng đất phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, diện tích chiều cao công trình tùy thuộc vào diện tích khu đất và phương án sản xuất .

Nội dung trên đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó phần lớn người trực tiếp sản xuất đồng ý với đề xuất trên. Bà Nguyễn Thị Hòa (trú tại huyện Thường Tín) cho rằng, hiện nay hầu hết sản xuất nông nghiệp đều dùng máy móc hiện đại. Sau khi sản xuất, nếu máy móc, vật tư nông nghiệp để ngoài ruộng thì không an toàn, nếu mang về nhà thì tốn nhiều công sức. Trường hợp xây dựng nhà tạm chứa vật tư, máy móc trên đất sẽ vi phạm pháp luật, bị chính quyền địa phương xử lý.

Đề xuất cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp: Lo ngại biến tướng- Ảnh 1.

Một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại Hà Nội

"Việc có công trình tại nơi sản xuất sẽ giúp người dân giải quyết được những vấn đề trên. Đồng thời, người dân cũng có nơi nghỉ ngơi buổi trưa nếu không về nhà", bà Hòa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Phấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) cho rằng, việc cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất trực tiếp trên đất nông nghiệp sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cũng thuận lợi cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Lo ngại biến tướng

Tuy nhiên, trước thực trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công ích như hiện nay, nhiều người cho rằng, việc “biến tướng” là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Thọ An (huyện Đan Phượng) cho rằng, chủ trương là đúng nhưng khi thực hiện chắc chắn chính quyền cơ sở sẽ gặp khó khăn. Bởi có thể, khi xây dựng, kiểm tra thì người dân làm đúng diện tích quy định, nhưng dần dần họ sẽ mở rộng thêm. Hơn nữa, cần làm rõ thế nào là công trình tạm, công trình kiên cố. Nếu trước đây, công trình tạm là mái tranh vách đất, giờ mà dựng tạm bằng gạch thì liệu có an toàn hay không. Trường hợp xây dựng công trình bằng khung sắt thép thì có được phép không?

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Nhất (huyện Thường Tín) cho rằng, hiện nay tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại nhiều địa phương rất phức tạp. Đặc biệt, là thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính, người dân tranh thủ san lấp, cải tạo đất. Các địa phương cũng đang ráo riết xử lý vi phạm để bàn giao hồ sơ cho đơn vị hành chính mới.

Cũng theo ông Trung, việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp chắc chắn sẽ bị biến tướng. Một số đối tượng sẽ lợi dụng chính sách để vi phạm, biến nơi phục vụ trực tiếp sản xuất thành chỗ ở. Tuy nhiên, sau này diện tích các xã sẽ rộng hơn trong khi số cán bộ có hạn nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ khó khăn, vất vả hơn. Do đó, để hạn chế vi phạm, thành phố cũng cần đề nghị điện lực, đơn vị cấp nước phối hợp với chính quyền địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Trong đó, đa dạng các loại công trình như nhà kho; nhà sơ chế, bảo quản; nhà màng, nhà lưới; nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, chuồng trại chăn nuôi; nhà điều hành, quản lý; nhà bảo vệ.

Tỷ lệ xây dựng chủ yếu dao động trong khoảng 2,5 – 27,25%, riêng các công trình chuồng trại chăn nuôi, nhà màng, nhà lưới tỷ lệ xây dựng từ 30 - 100%.

Theo Thanh Hiếu

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên