MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cưới nhau về kiếm 40 triệu/tháng nhưng không dám sinh con, nhìn thứ này xong hiểu ngay ra vấn đề

07-05-2025 - 19:16 PM | Lifestyle

Nhiều người khuyên cặp đôi nên thay đổi thói quen chi tiêu thì mới nên nghĩ đến chuyện sinh con.

Cặp vợ chồng thu nhập gần 40 triệu, nhưng không để được mấy đồng

Sinh em bé cần tiết kiệm trước bao nhiêu tiền? Những khoản chi nào nên cân nhắc tính toán trước khi mang thai? Đây là 2 trong nhiều câu hỏi mà các cặp vợ chồng đang tìm lời giải trước khi quyết định có em bé. Trên thực tế, chuẩn bị tài chính càng kỹ càng, vợ chồng càng đỡ áp lực khi sinh con.

Như mới đây, một người vợ cũng chia sẻ nỗi lòng của gia đình mình. Cô cho biết thu nhập của 2 vợ chồng là 40 triệu/tháng (lương chồng gần 30 triệu, lương vợ 10 triệu) nhưng vẫn chưa dám sinh con. Bởi mỗi tháng đều gần như tiêu hết sạch tiền.

Công việc của người vợ là làm sale, hay đi thị trường toàn tỉnh nên mất thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng (cho tiền xăng xe, ăn uống ngòai, chăm sóc khách hàng). Trong khi đó, người chồng cũng tốn thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng bởi ăn uống ngoài, hay phải đi ăn uống nhậu với công ty cho thư giãn tinh thần.

Cô vợ cho biết thêm: " Em cũng mới về tỉnh theo chồng nên công việc em cũng bấp bênh, chưa có ổn định, em cũng stress lắm. Hiện tại, mẹ chồng em 75 tuổi, nên không còn khả năng lao động để kiếm tiền nữa. M ọi thứ đều do chồng em gửi tiền về nuôi mẹ... Còn nhà em thì ba mẹ vẫn đi làm kiếm tiền được. Nên lâu lâu có dịp hay lễ Tết gì thì em gửi về cho ạ".

Cưới nhau về kiếm 40 triệu/tháng nhưng không dám sinh con, nhìn thứ này xong hiểu ngay ra vấn đề- Ảnh 1.

Bảng chi tiêu của cặp vợ chồng. (Nguồn: Vén Khéo)

Các khoản chi tiêu cụ thể trong gia đình như sau:

- "Gửi mẹ chồng (cố định): 4 triệu.

- Hoá đơn điện ở quê (cố định): 500k

- Trả nợ vay ngân hàng xây nhà chồng: 3,8 triệu (còn khoảng 1 năm nữa)

- Trả góp điện thoại: 5,620 triệu (còn 4 tháng nữa)

- Tiền nhà + điện nước: 4 triệu.

- Chi tiêu riêng vợ (xăng xe, ăn uống ngoài...): 4 triệu

- Chi tiêu riêng chồng (xăng xe, ăn uống ngoài...): 4 triệu

- Đi chợ: 3 triệu

- Ăn ngoài: 1 triệu

- Đồ dùng gia đình, gia vị: 500k

- Phát sinh, mua sắm: 1-2 triệu.

Tổng cộng: Khoảng hơn 31-32 triệu".

Cưới nhau về kiếm 40 triệu/tháng nhưng không dám sinh con, nhìn thứ này xong hiểu ngay ra vấn đề- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Bên dưới bài đăng, nhiều người đã góp ý thêm vào bảng chi tiêu của gia đình. Trong đó, đa phần đều khuyên 2 vợ chồng nên khoan nghĩ đến chuyện sinh em bé - nếu vẫn còn giữ những thói quen chi tiêu của hiện tại.

Nhiều người cũng chỉ ra cặp đôi đang tiêu khá hoang, khi cả hai vợ chồng đều có chi tiêu riêng, ăn ngoài là 4 triệu/người/tháng. Song cặp đôi này vẫn mất thêm tiền đi chợ là 3 triệu. Hai vợ chồng cũng đang trả nợ tiền xây nhà, nhưng vẫn trả góp điện thoại khá đắt tiền. Với việc tiêu hoang và cái gì cũng muốn thế này thì muốn không hết cũng khó!

Netizen cũng chỉ ra mặc dù thu nhập của người vợ là 10 triệu, thế nhưng cô mất đến 4 triệu đồng tiền ăn ngoài và di chuyển khi đi tỉnh. Như vậy thực tế lương chỉ khoảng 6 triệu thôi. Nhiều người cũng khuyên với mức lương và tần suất công tác tỉnh thế này thì người vợ nên đổi sang công việc khác.

Đứng trước ý kiến này, người vợ chia sẻ thêm: "Mình cũng mới chuyển xuống mấy tháng, và làm mảng này nên lương thấp. Có tháng thị trường đi lên mình cũng được 16 triệu. Mấy anh chị làm lâu, thâm niên cũng đều 15-20 triệu, hơn nữa do cũng quen khách. Khi thời gian làm lâu, khách hàng đặt thì sẽ có nguồn thu nhập thụ động, vẫn có thu nhập trong lúc mình có bé. Hiện tại mình chấp nhận mức lương như vậy vì mình đang trong quá trình xây dựng khách hàng ạ" .

Do đó, với tình hình hiện tại, nhiều người khuyên cả 2 nên tập trung trả hết nợ xây nhà và mua điện thoại. Đồng thời cắt giảm thêm khoản ăn uống bên ngoài lại.

Cưới nhau về kiếm 40 triệu/tháng nhưng không dám sinh con, nhìn thứ này xong hiểu ngay ra vấn đề- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

2 vợ chồng cần chuẩn bị tài chính thế nào trước khi quyết định sinh con?

Sinh con là một trong những quyết định quan trọng nhất của các cặp vợ chồng, mang lại niềm vui nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm tài chính lớn. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, vợ chồng có thể đối mặt với áp lực tài chính, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

1. Đánh giá chi phí nuôi con

Trước khi quyết định sinh con, vợ chồng cần nghiên cứu và lập danh sách các chi phí liên quan, từ trước khi sinh đến ít nhất 3 năm đầu đời của bé.

Thông thường, chi phí sinh nở trung bình dao động từ 10-50 triệu đồng (bệnh viện công hoặc tư), chưa kể khám thai định kỳ (5-10 triệu đồng). Sau sinh, các khoản như tã, sữa, quần áo, và tiêm phòng có thể tốn 3-5 triệu đồng/tháng, tương đương 36-60 triệu đồng/năm. Giáo dục mầm non (2-5 triệu đồng/tháng) và chi phí phát sinh (y tế, đồ chơi) cũng cần tính đến.

Tổng cộng, nuôi con trong 3 năm đầu có thể tiêu tốn 150-250 triệu đồng. Việc lập bảng chi phí chi tiết, như 20-30 triệu đồng cho sinh nở và 4 triệu đồng/tháng cho chăm sóc, giúp vợ chồng hình dung rõ số tiền cần chuẩn bị và tránh bất ngờ tài chính.

Cưới nhau về kiếm 40 triệu/tháng nhưng không dám sinh con, nhìn thứ này xong hiểu ngay ra vấn đề- Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ.

2. Xây dựng quỹ dự phòng

Một quỹ dự phòng đủ lớn là yếu tố then chốt để vợ chồng yên tâm khi sinh con, đặc biệt khi đối mặt với các chi phí bất ngờ như mẹ nghỉ thai sản hoặc bé ốm. Nên có quỹ dự phòng nên bằng 6-12 tháng chi phí sinh hoạt gia đình.

Ví dụ, nếu chi tiêu hàng tháng là 15 triệu đồng, quỹ dự phòng cần đạt 90-180 triệu đồng. Để xây dựng, vợ chồng có thể tiết kiệm 20% thu nhập (4 triệu đồng/tháng từ tổng thu nhập 20 triệu đồng) trong 2-3 năm trước khi sinh.

Mở tài khoản tiết kiệm riêng với lãi suất 5-6%/năm và thiết lập chuyển khoản tự động ngay khi nhận lương sẽ đảm bảo kỷ luật. Quỹ này không chỉ hỗ trợ khi thu nhập giảm (như vợ nghỉ làm) mà còn giúp vợ chồng tự tin hơn khi lập kế hoạch dài hạn, như mua nhà hoặc giáo dục con.

3. Điều chỉnh ngân sách và tăng thu nhập bổ sung

Để có thêm tiền tiết kiệm cho con, vợ chồng cần xem xét lại ngân sách hiện tại và cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Hãy theo dõi chi tiêu trong 1-2 tháng để xác định các khoản có thể giảm, như ăn ngoài (từ 4 triệu đồng/tháng xuống 2 triệu đồng) hoặc mua sắm quần áo (từ 2 triệu đồng/tháng xuống 1 triệu đồng)...

Ngoài tiết kiệm, việc tăng thu nhập bổ sung sẽ giúp vợ chồng có thêm nguồn lực tài chính trước khi sinh con. Dành 1-2 năm trước khi sinh để phát triển nguồn thu nhập phụ sẽ giúp vợ chồng tích lũy thêm 50-100 triệu đồng, giảm áp lực khi chi phí nuôi con tăng.

Theo Hà Thi

Thanh niên Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên