MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đối đầu "thế kỷ" giữa vũ khí Trung Quốc và phương Tây trên bầu trời Nam Á: Ai mới là kẻ mạnh nhất?

12-05-2025 - 08:39 AM | Tài chính quốc tế

Tiêm kích Trung Quốc bắn hạ máy bay Rafale Ấn Độ hôm 7/5 là cuộc đối đầu hiếm hoi giữa khí tài Trung Quốc và phương Tây, mở ra cơ hội đánh giá sức mạnh của các vũ khí hiện đại.

Tiêm kích Trung Quốc bắn hạ Rafale

Ngày 7/5, Không quân Pakistan đã sử dụng tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất để bắn hạ nhiều máy bay Ấn Độ, trong đó có chiến đấu cơ Rafale do Pháp chế tạo. Dù Ấn Độ phủ nhận tổn thất, các tuyên bố từ Pakistan, Pháp và Mỹ cho thấy điều ngược lại.

Cuộc đối đầu "thế kỷ" giữa vũ khí Trung Quốc và phương Tây trên bầu trời Nam Á: Ai mới là kẻ mạnh nhất?- Ảnh 1.

Mảnh vỡ được cho là của tên lửa PL-15E rơi trong lãnh thổ Ấn Độ đang được lan truyền trên mạng. Ảnh: WarZone

Theo Reuters (Anh), cuộc giao tranh trên không này đang thu hút sự chú ý của giới quân sự toàn cầu. Đây là lần hiếm hoi vũ khí hàng đầu của Trung Quốc và phương Tây đối đầu trực tiếp, mang đến cơ hội quý báu để đánh giá hiệu suất của phi công, máy bay và tên lửa hiện đại.

Hãng tin Anh cũng ghi nhận rằng, mặc dù chưa có xác nhận chính thức về việc các loại vũ khí cụ thể đã được sử dụng trong trận không chiến, nhưng trên mạng xã hội đang dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về màn thể hiện thực chiến giữa tên lửa PL-15 (phiên bản xuất khẩu là PL-15E) của Trung Quốc và tên lửa Meteor của Tập đoàn Tên lửa châu Âu (MBDA).

Reuters dẫn lời các nhà phân tích phương Tây và các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết, với các quân đội trên thế giới, cuộc không chiến lần này là cơ hội hiếm có để nghiên cứu hiệu suất thực chiến của phi công, máy bay và tên lửa không đối không.

Những thông tin này có thể giúp họ tối ưu hóa việc triển khai không quân. Các loại vũ khí tiên tiến có khả năng được sử dụng trong những cuộc xung đột giữa các cường quốc trong tương lai cũng sẽ được đánh giá nghiêm túc qua trận chiến này.

Douglas Barrie - chuyên gia nghiên cứu cấp cao về hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh - nhận định rằng Pháp và Mỹ có thể đang tìm cách thu thập thông tin tình báo từ phía Ấn Độ.

“Những người làm việc trong lĩnh vực không chiến ở Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đang rất mong muốn tìm hiểu càng nhiều càng tốt về chiến thuật, công nghệ, quy trình vận hành, cũng như các loại khí tài được sử dụng – cái gì hiệu quả, cái gì không”, ông nói.

Chuyên gia Barrie cũng nhấn mạnh: “Có thể nói đây là cuộc đối đầu trực diện giữa vũ khí tối tân của Trung Quốc và phương Tây. Tất nhiên, đó là trong trường hợp những loại vũ khí ấy thực sự đã được sử dụng.”

Một lãnh đạo cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng cũng chia sẻ với Reuters rằng: "Tên lửa PL-15 thực sự là một mối đe dọa đáng gờm. Quân đội Mỹ đang theo dõi sát sao loại tên lửa này.”

Do một vụ “tấn công khủng bố” xảy ra vào cuối tháng 4 năm nay, tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan đã trở nên căng thẳng đột ngột trong thời gian gần đây.

Rạng sáng ngày 7/5 (giờ địa phương), Không quân Ấn Độ đã phát động “Chiến dịch Sindoor” tiến hành không kích vào các “cơ sở khủng bố” bên trong lãnh thổ Pakistan. Phía Pakistan tuyên bố “tự vệ” bằng cách bắn hạ 6 máy bay quân sự Ấn Độ, trong đó có một máy bay không người lái.

Vũ khí Trung Quốc – Châu Âu lần đầu "so găng"

Phát biểu trước quốc hội ngày 7/5, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar tiết lộ rằng nước này đã sử dụng tiêm kích J-10C do Trung Quốc chế tạo để bắn hạ 3 máy bay Rafale mới mua của Ấn Độ.

Việc Pakistan bắn hạ tiêm kích Rafale đã được các quan chức Pháp xác nhận. Các quan chức Mỹ cũng bổ sung thêm bằng chứng khi cho biết họ tin chắc Pakistan đã sử dụng J-10 để phóng tên lửa không đối không, bắn rơi ít nhất hai máy bay Ấn Độ, trong đó có một chiếc Rafale.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 8/5 đưa tin, J-10 là dòng tiêm kích một động cơ đa nhiệm do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (Trung Quốc) thiết kế và chế tạo, được đưa vào biên chế Không quân Trung Quốc từ năm 2003.

J-10C là phiên bản nâng cấp của dòng máy bay này, được trang bị động cơ tốt hơn và radar AESA tiên tiến hơn, có thể phóng tên lửa PL-15.

Theo truyền thông Ấn Độ, sau trận không chiến, người dân tại một ngôi làng ở bang Punjab (Ấn Độ) đã phát hiện mảnh vỡ nghi là của tên lửa PL-15E, điều này có thể cho thấy Không quân Pakistan đã phóng loại tên lửa này từ tiêm kích J-10C.

Trang thông tin quân sự The WarZone (Mỹ) cũng cho biết, “có vẻ như đây là lần đầu tiên tên lửa PL-15 của Trung Quốc được sử dụng trong thực chiến.”

Reuters cho hay, trong nhiều năm, tầm bắn và hiệu suất của PL-15 luôn là điểm được phương Tây đặc biệt quan tâm, và sự xuất hiện của loại tên lửa này được xem như một bước ngoặt giúp Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ thời Liên Xô.

Hãng tin Anh còn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh phương Tây đang điều chỉnh chiến lược đối phó Trung Quốc, Mỹ đang phát triển tên lửa không đối không AIM-260 JATM (Joint Advanced Tactical Missile) thông qua Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ), một trong những lý do là nhằm làm đối trọng với khả năng tác chiến của PL-15.

Vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao cho Boeing một hợp đồng quốc phòng, yêu cầu hãng này phát triển dòng tiêm kích tiên tiến nhất từ trước tới nay cho Không quân Mỹ, dự kiến có khả năng tàng hình, cảm biến hiện đại và động cơ thế hệ mới.

Cuộc đối đầu "thế kỷ" giữa vũ khí Trung Quốc và phương Tây trên bầu trời Nam Á: Ai mới là kẻ mạnh nhất?- Ảnh 2.

Vào ngày 21/3/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Boeing sẽ sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu. Ảnh: Reuters

Châu Âu cũng đang nghiên cứu nâng cấp giữa vòng đời cho tên lửa Meteor. Theo Tạp chí quốc phòng Jane’s (Anh), quá trình nâng cấp có thể liên quan đến hệ thống động cơ và dẫn đường, tuy nhiên các nhà phân tích nhận định tiến độ hiện đang khá chậm.

Một nguồn tin trong ngành công nghiệp phương Tây cho biết, tên lửa PL-15 của Trung Quốc sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn hai xung, trong khi tên lửa Meteor của châu Âu dùng động cơ scramjet nhiên liệu rắn, về lý thuyết thì tên lửa châu Âu có tầm bắn xa hơn. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng thừa nhận khả năng thực tế của PL-15 “có thể vượt ngoài dự đoán.”

Reuters lưu ý rằng, do thông tin từ các bên còn chưa đồng nhất, hiện chưa thể xác định tên lửa PL-15 mà Pakistan sở hữu là phiên bản đang được Không quân Trung Quốc sử dụng, hay là phiên bản xuất khẩu được công bố tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2021, với tầm bắn tối đa 145 km.

Chuyên gia Douglas Barrie - người từng viết nhiều bài về chủ đề này - cho rằng nhiều khả năng Pakistan đang sử dụng phiên bản xuất khẩu.

Nguy cơ bùng phát chạy đua vũ trang

Byron Callan - chuyên gia quốc phòng tại Washington và là đối tác điều hành của công ty nghiên cứu Capital Alpha Partners - cho biết, giống như việc các nhà sản xuất vũ khí Mỹ liên tục nhận phản hồi từ chiến trường Ukraine, ông tin rằng các nhà cung cấp vũ khí châu Âu cho Ấn Độ cũng sẽ có những phản hồi tương tự.

Tuy nhiên, các chuyên gia và nguồn tin đều lưu ý rằng hiện nay còn thiếu nhiều chi tiết quan trọng, như việc tiêm kích Ấn Độ có mang theo tên lửa Meteor hay không, cũng như trình độ và cường độ huấn luyện của phi công Ấn Độ; do đó vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính xác.

“Người ta sẽ đánh giá đâu là vũ khí hiệu quả, đâu là vũ khí không hiệu quả, nhưng tôi cho rằng 'màn sương mù chiến tranh’ vẫn còn tồn tại”, chuyên gia Callan nói. (“Sương mù chiến tranh” là khái niệm chỉ sự không chắc chắn và thiếu thông tin rõ ràng trong chiến tranh).

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng các công ty sản xuất vũ khí đang rất muốn phân tách giữa hiệu suất kỹ thuật của khí tài và yếu tố con người trong thực chiến.

Theo Reuters, hãng Dassault – nhà sản xuất tiêm kích Rafale – đã từ chối bình luận, trong khi Tập đoàn Tên lửa châu Âu (MBDA) chưa đưa ra phản hồi do đúng dịp nghỉ lễ tại Pháp.

Cuộc đối đầu "thế kỷ" giữa vũ khí Trung Quốc và phương Tây trên bầu trời Nam Á: Ai mới là kẻ mạnh nhất?- Ảnh 3.

Đuôi chiếc tiêm kích Rafale của Ấn Độ được cho là bị Pakistan bắn hạ. Ảnh: X

Nhà nghiên cứu Abdul Basit tại Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) - nói với SCMP rằng cuộc tranh cãi về hiệu suất giữa chiến đấu cơ Trung Quốc và Rafale “có lẽ sẽ sớm khép lại”.

“Nếu những gì phía Pakistan nói là đúng, thì đây chắc chắn là một tin chấn động với nhà sản xuất Rafale”, ông nói.

Hu Shisheng - Phó Tổng thư ký Ủy ban Học thuật của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc - nhận định rằng tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất, kết hợp với tên lửa PL-15 và hệ thống chỉ huy – cảnh báo sớm cũng do Trung Quốc cung cấp, đã thể hiện hiệu suất chiến đấu nổi bật trong cuộc đối đầu lần này.

Ông cho rằng, tình hình này có thể khiến Ấn Độ đẩy nhanh kế hoạch mua sắm tiêm kích, trong đó có khả năng mua F-35 của Mỹ, đồng thời tăng cường hợp tác với Anh, Nhật và các nước khác trong việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu.

Giáo sư Rong Ying - giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) - nhận định rằng kể từ khi Ấn Độ đơn phương tuyên bố dừng thực hiện Hiệp ước sông Ấn, Pakistan đã đình chỉ một số cơ chế đối thoại hòa bình song phương bao gồm Hiệp định Simla như một biện pháp đối phó.

Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, hai nước có thể chỉ còn lựa chọn duy nhất là đối đầu quân sự – một kịch bản cực kỳ nguy hiểm và có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang sau đó.

Trong thông báo trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý "ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức" sau một đêm đàm phán do Mỹ làm trung gian.

Ngoại trưởng Pakistan và các nguồn tin từ Ấn Độ đã xác nhận việc ngừng giao tranh ngay sau thông báo bất ngờ của Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau khi Tư lệnh chỉ huy chiến dịch (DGMO) của hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn và dừng các hoạt động quân sự, vào tối 10/5 (giờ địa phương), Ấn Độ đã cáo buộc Pakistan tiếp tục nổ súng vi phạm thỏa thuận này.

Bộ Ngoại giao Pakistan cũng đổ lỗi cho Ấn Độ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Phía Pakistan cho biết nước này vẫn cam kết thực hiện đúng nội dung thỏa thuận và lực lượng quân đội đang bình tĩnh xử lý tình hình.

(Theo Reuters, SCMP)

Theo Phước Hải

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên