MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK cập nhật triển vọng tăng trưởng loạt nhóm ngành hot: Công nghệ, Thép, Bán lẻ, Ngân hàng, BĐS KCN sau "cú sốc" thuế quan

CTCK cập nhật triển vọng tăng trưởng loạt nhóm ngành hot: Công nghệ, Thép, Bán lẻ, Ngân hàng, BĐS KCN sau "cú sốc" thuế quan

Phần lớn doanh nghiệp niêm yết ghi nhận kết quả tài chính ổn định trong quý 1, song các dấu hiệu chững lại bắt đầu xuất hiện.

Trong báo cáo triển vọng tháng 5, Chứng khoán Maybank dự báo lợi nhuận toàn thị trường năm 2025 sẽ dao động từ suy giảm 2% trong kịch bản tiêu cực đến tăng trưởng vừa phải 15% ở kịch bản tích cực, con số này giảm nhẹ so với mức dự phóng tăng 17,3% trước khi có tác động từ thuế quan.

Theo Maybank, phần lớn doanh nghiệp niêm yết ghi nhận kết quả tài chính ổn định trong quý 1/2025. Tuy nhiên, các dấu hiệu chững lại bắt đầu xuất hiện, chủ yếu do bất định xoay quanh chính sách thuế quan và môi trường kinh tế vĩ mô đang thay đổi.

Một số ngành như bất động sản và logistics hàng không tiếp tục thể hiện sức bật, thậm chí có điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận. Trong khi đó, các ngành định hướng xuất khẩu hoặc nhạy cảm với thuế đang đối mặt với biến động gia tăng.

CTCK cập nhật triển vọng tăng trưởng loạt nhóm ngành hot: Công nghệ, Thép, Bán lẻ, Ngân hàng, BĐS KCN sau "cú sốc" thuế quan- Ảnh 1.

Tổng thể, Maybank duy trì quan điểm thận trọng với toàn thị trường trong bối cảnh chính sách thuế còn nhiều bất ổn, nhưng vẫn giữ sự lạc quan có chọn lọc đối với các nhóm ngành được hỗ trợ bởi: (1) Nhu cầu cấu trúc dài hạn như công nghệ, logistics hàng không, (2) Chính sách kích cầu của Chính phủ như bất động sản và thép.

Cụ thể, đối với ngành Ngân hàng, đội ngũ phân tích đánh giá mức độ tiếp xúc trực tiếp với chính sách thuế quan của ngành ngân hàng là hạn chế, khi các khoản vay cho doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ thuế (chủ yếu là xuất khẩu và phát triển KCN hướng Mỹ) chỉ chiếm khoảng 1–4% tổng dư nợ. Hầu hết ngân hàng vẫn giữ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 2025 tích cực, tuy nhiên, một số ngân hàng bày tỏ lo ngại rằng tác động gián tiếp đến tiêu dùng nội địa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và biên lợi nhuận, tùy thuộc vào cơ cấu khách hàng mục tiêu của từng ngân hàng.

Theo đó, Maybank kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 14–16% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ cho vay doanh nghiệp trong nửa đầu năm, và tăng tốc ở mảng bán lẻ trong nửa cuối năm. NIM nhiều khả năng vẫn chịu áp lực trong nửa đầu năm do biến động tỷ giá lớn và cạnh tranh huy động gia tăng, nhưng điều kiện dự kiến cải thiện từ nửa sau khi nhu cầu tín dụng phục hồi trên diện rộng.

Trong kịch bản cơ sở, nhóm phân tích điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành trong năm 2025 xuống còn 2,5% so với cùng kỳ, giảm 16 điểm phần trăm so với dự báo trước khi có tác động thuế quan.

Tại nhóm Bán lẻ, các doanh nghiệp dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại, dù không rơi vào suy thoái toàn diện. Sức mua của người tiêu dùng dự kiến sẽ suy yếu, ảnh hưởng đến doanh thu và biên lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường lại coi đây là cơ hội để mở rộng thị phần và củng cố vị thế thông qua đẩy mạnh đầu tư mạng lưới phân phối và tối ưu hóa vận hành.

Về triển vọng 2025, thuế quan được kỳ vọng sẽ tiếp tục gây áp lực lên tâm lý tiêu dùng và sức mua trong thời gian tới. Tuy nhiên, Maybank bày tỏ quan điểm rằng ảnh hưởng này sẽ phần nào được bù đắp bởi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như miễn giảm học phí, phí y tế, và khả năng cải cách thuế thu nhập cá nhân.

Nhờ vậy, các doanh nghiệp dẫn đầu như: MobileWorld (MWG) – lĩnh vực ICT, điện máy, bán lẻ thực phẩm FPT Retail (FRT) – chuỗi dược phẩm, Phú Nhuận Jewelry (PNJ) – trang sức vàng,… sẽ tiếp tục mở rộng thị phần nhờ chiến lược mở rộng mạng lưới mạnh mẽ. Trong kịch bản cơ sở, Maybank điều chỉnh giảm 15 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm tài chính 2025 so với trước khi có tác động từ thuế quan, còn 27,3% so với cùng kỳ.

Đối với ngành Thép, nhóm phân tích MSVN cho biết tác động phần lớn phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc xuất khẩu sang Mỹ của từng công ty. Trong khi tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các công ty cũng kỳ vọng hưởng lợi từ việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng đang diễn ra của Việt Nam và việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc. Nhìn chung, các doanh nghiệp dự đoán ngành thép sẽ tiếp tục phục hồi, mặc dù họ vẫn thận trọng về những bất ổn gia tăng.

Maybank kỳ vọng sự phục hồi của các nhà sản xuất thép trong nước được duy trì trong năm nay nhờ: (1) sự phục hồi đang diễn ra của thị trường BĐS trong nước; (2) thuế chống bán phá giá 19%-28% đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 3/2025; và (3) việc chính phủ thúc đẩy cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền kinh tế. Trong kịch bản cơ sở, MSVN điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm tài chính 2025 xuống 10 điểm phần trăm so với dự báo trước thuế quan, còn 11,7% so với cùng kỳ.

Tại nhóm Công nghệ, nhóm phân tích MSVN cho biết dịch vụ CNTT không thuộc đối tượng chịu thuế quan trả đũa. Chiến tranh thương mại khó có khả năng làm chệch hướng xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số, mà trên thực tế, giúp các công ty giảm chi phí hoạt động. Xu hướng này sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho các nhà cung cấp dịch vụ CNTT toàn cầu như FPT. Riêng với FPT, một thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ có khả năng sẽ thúc đẩy trở lại nhu cầu CNTT ở Nhật Bản, thị trường dịch vụ CNTT lớn nhất của FPT.

Trong khi đó, nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đưa các hoạt động sản xuất trở lại Mỹ cũng có thể thúc đẩy nhu cầu CNTT gia tăng ở Mỹ, thị trường gia công CNTT lớn thứ hai của FPT. Trong kịch bản cơ sở, Maybank điều chỉnh giảm 15 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm tài chính 2025 so với dự báo trước thuế quan, xuống còn 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, báo cáo chỉ ra rằng các doanh nghiệp BĐS Khu công nghiệp tác động đáng kể từ thuế quan. Trong khi các nhà máy hiện tại vẫn hoạt động bình thường, các nhà đầu tư mới đang trì hoãn giải ngân, và các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc cho thuê đất mới đang được xem xét lại khi các bên liên quan chờ đợi kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong kịch bản cơ sở, nhóm phân tích CK Maybank điều chỉnh giảm 17 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm tài chính 2025 so với dự báo trước thuế quan, xuống còn 16,3% so với cùng kỳ, đồng thời hạ triển vọng do những bất ổn đang diễn ra xung quanh tình hình thuế quan.

Ngoài ra, tác động của thuế quan tại nhóm Cảng biển được cho là sắp xảy ra, vì Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh hưởng đến từng công ty sẽ phụ thuộc vào điểm đến của hàng hóa được vận chuyển bởi tàu của họ hoặc được xử lý tại các cảng của họ. Các công ty vận tải biển nội địa dự kiến tác động sẽ tối thiểu. Mặc dù hầu hết các công ty vẫn kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2025, nhưng tầm nhìn xa hơn - đặc biệt là đến năm 2026 - vẫn còn hạn chế.

Theo đó, Maybank kỳ vọng việc đẩy mạnh xuất khẩu hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài đến hết nửa đầu năm 2025. Để phản ánh điều này, trong kịch bản cơ sở, MSVN điều chỉnh tăng 13 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm tài chính 2025 so với dự báo trước thuế quan, lên 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các hoạt động xuất nhập khẩu có khả năng sẽ chậm lại đáng kể sau đó, tùy thuộc vào kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán thương mại.

Ngọc Ly

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên