Công ty 220.000 tỷ của Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục: Điều gì làm nên kỳ tích?
Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VTG) được thành lập năm 2007. Mục tiêu kinh doanh của công ty là đầu tư vào các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động; nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng quy mô thị trường chuẩn bị cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 mới được công bố, d oanh thu của VTG tăng trưởng 22%. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VTG đạt 9.657 tỷ đồng, tăng 22% so với quý 1/2024. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.310 tỷ đồng.
Theo đánh giá của VTG, trong bối cảnh thị trường viễn thông toàn cầu gần như bão hòa thì đây là quý thứ 6 liên tiếp VTG ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trên 20% , cho thấy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trong quý 1, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại tất cả các thị trường của VTG đều tăng trưởng cao nổi bật là Viettel Burundi tăng 38%, Viettel Tanzania tăng 29%, Viettel Haiti tăng 28%, Viettel Mozambique tăng 23%.
Bên cạnh kết quả tốt từ mảng viễn thông truyền thống, các công ty ví điện tử của VTG cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, với Lumicash tại Burundi đạt mức tăng trưởng 59%, Halopesa tại Tanzania tăng 47%, Emoney tại Campuchia tăng 42% và M-Mola tại Mozambique tăng trưởng 27%.
Cổ phiếu VTG kết phiên giao dịch ngày 16/5 có giá 72.600 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường hơn 220.000 tỷ đồng (khoảng 8,5 tỷ USD), là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 5 thị trường.

Biến động giá cổ phiếu VTG trong 1 năm qua. Nguồn: Cafef.
Theo tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông 2025 dự kiến sẽ diễn ra trong ít ngày tới, trong năm 2025, VTG đặt mục tiêu có tổng doanh thu hợp nhất là 38.649 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 7.599 tỷ đồng.
Để thực hiện được kế hoạch này, VTG cho biết sẽ tập trung với chiến lược hai mũi nhọn là củng cố dịch vụ viễn thông truyền thống làm nền tảng lợi nhuận và đẩy mạnh dịch vụ số làm động lực tăng trưởng mới.
Chiến lược này thực hiện bằng cách duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội, giữ vững vị thế dẫn đầu tại các thị trường quan trọng và xây dựng hệ sinh thái dịch vụ toàn diện, không chỉ đáp ứng thách thức cạnh tranh mà còn định hình tương lai ngành viễn thông – công nghệ tại các thị trường đang kinh doanh.
Đối với dịch vụ viễn thông truyền thống, công ty củng cố vai trò cốt lõi của viễn thông truyền thống như động lực chính tạo ra doanh thu và lợi nhuận, đồng thời chuyển đổi công nghệ để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Đối với dịch vụ ngoài viễn thông truyền thống, VTG kiến tạo hệ sinh thái dịch vụ số toàn diện, mở rộng từ viễn thông sang các lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng đột phá và đáp ứng xu hướng số hóa toàn cầu.
Đối với các thị trường quan trọng, công ty củng cố vị thế thống lĩnh tại các thị trường chiến lược, tối ưu hóa lợi nhuận và định hình hệ sinh thái dịch vụ toàn diện để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Ngày 14/5/2025, VTG nhận được đơn xin từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT và trưởng ban kiểm soát.
2 thành viên HĐQT là ông Phùng Văn Cường và ông Lê Xuân Hùng và trưởng ban kiểm soát Lê Quang Tiệp xin từ nhiệm các chức vụ Thành viên HĐQT và trưởng ban kiểm soát kể từ ngày 5/6/2025. Lý do đưa ra là do được Tập đoàn đề cử giao nhiệm vụ mới.
Nhịp Sống Thị Trường
CÙNG CHUYÊN MỤC

Công ty Quốc Cường Gia Lai muốn đổi tên
21:18 , 17/05/2025
Diễn biến 'lạ' cổ phiếu một doanh nghiệp
11:08 , 17/05/2025