MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công an cảnh báo khách hàng sử dụng Momo, ZaloPay, các ngân hàng: Cần chú ý thủ đoạn lừa đảo

22-05-2025 - 10:53 AM | Sống

Mặc dù thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng kịch bản của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi khiến nhiều người mắc bẫy, mất trắng tài sản.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo rất nhiều các chiêu trò lừa đảo trên MXH, qua điện thoại liên quan tới giả danh nhân viên ngân hàng, ví điện tử, luật sư, công an... để lừa đảo “thu hồi tiền treo”. Tuy nhiên không ít người vẫn sập bẫy và mất trắng tài sản. Đây là một thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, được dàn dựng kịch bản chặt chẽ, đánh đúng tâm lý nạn nhân.

Công an cảnh báo khách hàng sử dụng Momo, ZaloPay, các ngân hàng: Cần chú ý thủ đoạn lừa đảo- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo Công an tỉnh Long An, các đối tượng có các thủ đoạn lừa đảo cụ thể như sau:

1. Giả danh nhân viên ngân hàng, ví điện tử hoặc công ty tài chính: Đối tượng liên hệ qua điện thoại, Zalo, Facebook…, tự xưng là nhân viên Momo, ZaloPay, ngân hàng hoặc công ty tài chính. Chúng thông báo có một khoản “tiền treo”, “giao dịch lỗi”, “giao dịch chưa hoàn tất” cần xử lý gấp.

2. Mạo danh luật sư, công an, toà án để gia tăng áp lực: Nếu nạn nhân còn nghi ngờ, chúng lập tức chuyển máy hoặc để người khác gọi đến, tự xưng là công an kinh tế, điều tra viên, luật sư, thậm chí gửi giấy mời, giấy triệu tập giả mạo có logo cơ quan công an hoặc tòa án. Đối tượng tuyên bố nạn nhân có thể liên quan đến rửa tiền, lừa đảo, tiếp tay tội phạm công nghệ cao nếu không phối hợp “điều tra”.

3. Hướng dẫn thao tác rút tiền/chuyển khoản/cài ứng dụng gián điệp: Chúng yêu cầu nạn nhân tải ứng dụng “kiểm tra tài khoản”, “xác minh nhân thân” - thực chất là phần mềm độc hại. Hoặc hướng dẫn trực tiếp cách chuyển tiền vào tài khoản “kiểm tra tạm thời” do chúng cung cấp. Sau đó, toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân sẽ bị chiếm đoạt.

Vì sao nhiều người vẫn mắc bẫy dù đã được cảnh báo?

- Kịch bản ngày càng tinh vi, có nhiều người đóng vai để tạo cảm giác “thật”.

- Tâm lý hoang mang khi nghe đến công an, luật sư, toà án khiến nạn nhân mất bình tĩnh, làm theo hướng dẫn.

- Chưa am hiểu rõ về giao dịch tài chính, ngân hàng số, OTP, bảo mật thông tin cá nhân.

Công an tỉnh Long An khuyến cáo người dân, cách phòng ngừa hiệu quả:

- Không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, hình ảnh giấy tờ tuỳ thân cho người lạ qua điện thoại hoặc mạng xã hội.

- Ngân hàng, công an, luật sư không làm việc qua Zalo, Facebook hoặc yêu cầu chuyển tiền để điều tra.

- Không cài ứng dụng lạ, không truy cập đường link không rõ nguồn gốc.

Tiền không tự dưng “treo” - chỉ có chiêu trò đang giăng bẫy! Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, đề nghị người dân cung cấp thông tin ngay cho cơ quan Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Long An, số điện thoại: 02723.989.848 để được tiếp nhận xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Công an tỉnh Long An


Khánh Ngọc

Đời sống pháp luật

Trở lên trên