Chuyên gia báo động khoản lỗ trên giấy 500 tỷ USD của các ngân hàng Mỹ: Bóng đen từ vụ phá sản ngân hàng SVB liệu có quay trở lại?
Các chuyên gia kỳ cựu cảnh báo rằng chỉ cần một tác động, cuộc khủng hoảng như hai năm trước có thể bùng phát trở lại.
- 16-05-2025Trung Quốc vẫn chịu thuế 30% từ Mỹ, nền kinh tế 18,5 nghìn tỷ USD 'nơm nớp' lo sợ vì có thể trở thành điểm đến của "cơn lũ" hàng giá rẻ
- 15-05-2025Chủ tịch Fed Jerome Powell lên tiếng: Lãi suất sẽ còn cao trong thời gian dài, cảnh báo một ‘cú sốc’ thách thức nền kinh tế và NHTW
- 15-05-2025Giữa bất định thuế quan, các nhà sản xuất Trung Quốc đổ xô tới vùng đất quen thuộc để tránh ‘bão’, tập trung vào ưu tiên hàng đầu

Hơn hai năm sau cú sốc từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và First Republic, các ngân hàng Mỹ vẫn đang ghi nhận những khoản lỗ lớn do lãi suất duy trì ở mức cao.
Nhiều chuyên gia cảnh báo đây là điều đáng lo ngại, đặc biệt nếu chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump dẫn đến kịch bản “lạm phát đình trệ”. Kịch bản này có nghĩa là lạm phát tăng cao trong khi tăng trưởng chững lại, gây thêm áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Theo dữ liệu từ Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), tính đến cuối năm 2024, các ngân hàng Mỹ đang có tổng cộng 482,4 tỷ USD khoản lỗ trên giấy từ các khoản đầu tư chứng khoán, tăng 118 tỷ USD, tương đương 32,5% so với quý trước đó.
Khoản lỗ chưa thực hiện này từng lên tới 515 tỷ USD vào thời điểm SVB bị rút tiền hàng loạt vào tháng 3/2023 và đỉnh điểm là 684 tỷ USD vào cuối năm đó. Dữ liệu quý 1/2025 dự kiến sẽ được công bố trong tuần này. Nhưng lợi suất trái phiếu tăng đột biến trong tháng 4 khiến bất kỳ tín hiệu cải thiện nào trong 3 tháng đầu năm có thể chỉ mang tính tạm thời.
Những khoản lỗ trên giấy tờ này chưa xuất hiện trong báo cáo tài chính của ngân hàng trừ khi tài sản được bán ra. Nhưng Giáo sư tài chính Rebel Cole từ Đại học Florida Atlantic cảnh báo rằng chúng tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng thanh khoản nếu người gửi tiền lo ngại và rút tiền ồ ạt.
“Chỉ cần một tin xấu liên quan đến một trong các ngân hàng này là đủ để châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng khác, như những gì chúng ta đã thấy vào tháng 3/2023. Tôi thật sự ngạc nhiên là từ đó đến nay vẫn chưa có thêm một cuộc khủng hoảng nào khác”, Giáo sư Cole nhận định. Ông Cole từng là cố vấn đặc biệt cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Biểu đồ trên có thể giải thích một cách rất dễ hiểu. Khi lãi suất dài hạn tăng vọt, giá trị của các tài sản dài hạn như trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc chứng khoán bảo đảm bằng bất động sản nhà ở (RMBS) sẽ giảm mạnh.
Theo Giáo sư Cole, mức lỗ của các ngân hàng gần như biến động theo lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Lợi suất vốn đã dao động trong năm 2025 dưới tác động từ chính sách thuế của chính quyền ông Trump. Hiện lợi suất đã vượt 4,5% và tiến sát mức đỉnh của quý 4 năm ngoái.
“Tại mức đó, hệ thống ngân hàng bắt đầu xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng. Nếu vượt 5%, tình hình sẽ thực sự tệ”, Giáo sư Amit Seru từ Trường Kinh doanh Stanford trả lời Fortune.
Giáo sư Seru – thành viên cao cấp tại Viện Hoover – cho rằng mức lỗ chưa thực hiện khi đó có thể dao động từ 600 tỷ USD đến 700 tỷ USD.
Theo như biểu đồ, phần lớn các chứng khoán này được phân loại là “giữ đến ngày đáo hạn” (held-to-maturity). Điều đó đồng nghĩa với việc thay đổi về giá trị thị trường không được phản ánh trực tiếp trên báo cáo tài chính, mà chỉ được ghi chú trên bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, nếu ngân hàng buộc phải bán một phần danh mục đầu tư này, toàn bộ danh mục sẽ phải được đánh giá lại theo giá thị trường. Lúc đó, những tài sản vốn được coi là có tính thanh khoản lại trở nên kém thanh khoản về mặt kế toán.
Trong khi đó, các chứng khoán được phân loại là “sẵn sàng để bán” (available-for-sale) thì khoản lỗ sẽ được ghi nhận trên báo cáo tài chính, nhưng chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận nếu tài sản bị bán. Theo Giáo sư Cole, sự khác biệt này là không đáng kể. SVB sụp đổ chỉ 3 ngày sau khi công bố chịu khoản lỗ 2 tỷ USD từ việc bán chứng khoán sẵn sàng để bán.

Sự sụp đổ của ngân hàng dẫn đầu trong ngành tài chính công nghệ đã gây chấn động hệ thống tài chính. Vụ việc phơi bày rủi ro từ việc “chạy theo lợi suất” một cách mù quáng.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 khi lãi suất gần bằng 0, việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn gần như không mang lại lợi nhuận. Các ngân hàng buộc phải tìm kiếm lợi suất cao hơn ở kỳ hạn dài, đổ hơn 2.000 tỷ USD vào các tài sản đầu tư như trái phiếu chính phủ dài hạn, chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS) và các chứng khoán tương tự.
Năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ban đầu trấn an rằng sẽ chỉ tăng lãi suất nhẹ để kiềm chế “lạm phát tạm thời”. Nhưng lạm phát sau đó tăng dựng đứng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm, buộc Fed phải nâng lãi suất từ gần 0% vào tháng 3/2022 lên hơn 4,5% chỉ trong 1 năm.
SVB đầu tư hơn 90% danh mục đầu tư nắm giữ đến đáo hạn vào MBS, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu chính phủ có kỳ hạn trên 10 năm. SVB đã trở thành ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ phá sản. Chưa đầy hai tháng sau, First Republic cũng nối gót.
Dù Fed đã can thiệp để bảo vệ người gửi tiền không được bảo hiểm và các ngân hàng đã được mua lại, vết sẹo từ cuộc khủng hoảng vẫn chưa lành.
Theo giáo sư Seru, sự mong manh của SVB đã vượt qua tầm kiểm soát của các cơ quan giám sát. Kể từ đó, giới quản lý đã cảnh giác hơn với rủi ro lãi suất và nguy cơ rút tiền ồ ạt. Nhưng nhiều vấn đề cốt lõi vẫn còn đó. Các yêu cầu về vốn hiện tại vẫn chưa tính đến khoản lỗ chưa thực hiện, trong khi các chiến lược phòng vệ rủi ro (hedging) lại chưa được áp dụng rộng rãi trong hệ thống ngân hàng.
Một khi lãi suất còn ở mức cao, các khoản lỗ tích tụ trong giai đoạn khủng hoảng vẫn chưa thể xóa bỏ.
“Kịch bản lạm phát đình trệ mang theo nguy cơ lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, kéo theo các khoản lỗ tín dụng, đặc biệt đối với các ngân hàng cho vay lĩnh vực công nghệ, tăng trưởng và đầu tư mạo hiểm, vốn có tỷ lệ lợi nhuận thấp và khả năng thanh toán yếu”, nhà kinh tế trưởng Torsten Sløk ·của tập đoàn Apollo Global Management cảnh báo.
Giáo sư Cole cũng cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản thương mại sắp tới sẽ gây thêm áp lực.
“Nếu các ngân hàng này có bất kỳ khoản lỗ chưa thực hiện nào trong danh mục chứng khoán và bị rút tiền hàng loạt, họ sẽ buộc phải định giá lại theo thị trường. Và khi đó, các cơ quan giám sát sẽ đóng cửa họ”, Giáo sư Cole cảnh báo.
Tóm lại, vị giáo sư kỳ cựu cảnh báo hệ thống ngân hàng Mỹ đang đối mặt với nguy cơ, chỉ cần một mồi lửa thì khủng hoảng có thể bùng phát.
Theo Fortune
Nhịp Sống Thị Trường
CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị trường nhà đất Mỹ đối mặt "một năm mất mát" do thuế quan
08:15 , 16/05/2025