MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa từng có tại hãng xe ô tô lớn bậc nhất thế giới: Giảm 1/2 năng lực sản xuất ở quê nhà, sẽ sa thải 35.000 nhân sự trước năm 2030

15-05-2025 - 11:17 AM | Tài chính quốc tế

Hãng xe ô tô này đang tiến hành một cuộc tái cấu trúc lịch sử.

Chưa từng có tại hãng xe ô tô lớn bậc nhất thế giới: Giảm 1/2 năng lực sản xuất ở quê nhà, sẽ sa thải 35.000 nhân sự trước năm 2030- Ảnh 1.

Mới đây, Giám đốc tài chính của hãng xe Volkswagen lên tiếng cảnh báo rằng: “Việc tái cấu trúc mang tính lịch sử của công ty là chưa đủ. Đang có một nguy cơ lớn là sự tự mãn sẽ lại xuất hiện trước khi chúng tôi có thể thực sự chuyển mình”.

“Chúng tôi vẫn chưa hoàn tất. Bằng chứng thực sự rằng chúng tôi có thể thực hiện chương trình này một cách trọn vẹn 100% vẫn chưa xuất hiện”, Giám đốc tài chính Arno Antlitz phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Future of the Car của Financial Times hôm thứ ba.

“Có một nguy cơ rất lớn rằng khi một chương trình như thế này bắt đầu cho ra những kết quả ban đầu, thì sự tự mãn lại trỗi dậy”.

Vào tháng 12, Volkswagen đã rút lại kế hoạch đóng cửa một số nhà máy ở Đức sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người lao động. Thay vào đó, công ty đạt được một thỏa thuận chưa từng có: Giảm một nửa năng lực sản xuất tại Đức và cắt giảm 35.000 nhân sự trước năm 2030. Đầu tháng này, công ty cho biết đã cắt giảm được 7.000 nhân sự.

Tại hội nghị, ông Thomas Schäfer – Giám đốc điều hành thương hiệu VW chủ lực – cũng lên tiếng cảnh báo, cho biết công ty vẫn chưa đạt được vị thế mong muốn. “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm”, ông nói.

Volkswagen công bố chương trình tái cấu trúc trong bối cảnh phải đối mặt với quá trình chuyển đổi tốn kém sang xe điện, doanh số bán xe tại châu Âu sụt giảm mang tính cơ cấu, và thị phần giảm sút tại Trung Quốc.

Những khó khăn của công ty đã làm dấy lên lo ngại ở Đức và trên toàn châu Âu, khi chúng phản ánh rõ thách thức mà lục địa này đang đối mặt về năng suất, chi phí năng lượng và lao động – đặc biệt khi so sánh với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng vào khu vực.

Ông Antlitz cũng kêu gọi các chính trị gia ở Brussels và Berlin thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm nâng cao năng suất và sự linh hoạt của thị trường lao động, đồng thời cảnh báo rằng việc chậm trễ hành động có thể làm tổn hại tới hiệu quả của các khoản đầu tư quốc gia gần đây vào quốc phòng và cơ sở hạ tầng.

“Chúng ta cần giải quyết không chỉ vấn đề cải cách cơ cấu mà còn cả sự linh hoạt của thị trường lao động”, Antlitz nói. “Nếu không làm điều đó, chúng ta sẽ làm rủi ro những khoản đầu tư cần thiết – chẳng hạn như ở Đức, vào quốc phòng và hạ tầng”.

Doanh số xe điện (EV) hàng quý của Volkswagen tại châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong quý đầu tiên, khi cứ năm chiếc xe bán ra ở Tây Âu thì có một chiếc là xe điện hoàn toàn. Tuy nhiên, doanh số EV tăng mạnh lại gây áp lực lên biên lợi nhuận hoạt động của hãng, giảm xuống còn 3,7% so với 6% cùng kỳ năm ngoái.

Ông Schäfer cho biết thương hiệu VW đang đặt mục tiêu đạt được mức cân bằng chi phí giữa xe điện và xe chạy xăng vào năm 2030. “Chúng tôi vẫn chưa đủ nhanh”, ông nói.

Lợi nhuận của công ty cũng đang chịu áp lực từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu đối với xe sản xuất ở nước ngoài. Biên lợi nhuận hoạt động của tập đoàn dự kiến sẽ giảm về ngưỡng thấp của khung dự báo – ở mức 5,5% – do các rào cản thương mại ngày càng gia tăng.

“HỐ ĐEN” XE ĐIỆN

Chỉ hơn 5 năm sau khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đến thăm Zwickau để khánh thành nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên của Volkswagen, nơi từng được ca ngợi là “biểu tượng” của quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp ô tô, các công nhân tại đây đang chuẩn bị cho một giai đoạn đầy bất ổn.

Theo một thỏa thuận đạt được vào tháng 12 giữa Volkswagen và công đoàn quyền lực IG Metall, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu sẽ cắt giảm sản lượng tại nhà máy này. Thỏa thuận này giúp tránh được nguy cơ sa thải nhân viên cho đến năm 2030 và bảo đảm các nhà máy ở Đức không bị đóng cửa. Đổi lại, Volkswagen sẽ giảm một nửa công suất sản xuất, buộc các cơ sở như Zwickau phải cạnh tranh để thu hút các khoản đầu tư trong tương lai.

Arno Antlitz, Giám đốc tài chính của tập đoàn Volkswagen nhấn mạnh trong một thông báo nội bộ vào tháng 1 rằng: “Chúng tôi chỉ đầu tư vào các nhà máy có tính cạnh tranh. Đức không thể là một ngoại lệ”.

Một nhân viên tại Zwickau bày tỏ lo ngại: “Đây rõ ràng không phải là một thỏa thuận có lợi cho chúng tôi”, đồng thời chỉ ra rằng Wolfsburg – trụ sở chính của Volkswagen – đã giành được nhiều mẫu xe từng được sản xuất tại Zwickau.

Danny Auerswald, người đứng đầu hoạt động của Volkswagen tại bang Saxony, khu vực giáp biên giới với Cộng hòa Séc và Ba Lan thừa nhận môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt. “Chúng ta không thể phớt lờ thực tế”, ông nói.

Sản lượng giao xe của Volkswagen tại châu Âu năm qua đạt 3,8 triệu chiếc – giảm gần 1 triệu chiếc so với năm 2019, thời điểm cựu Thủ tướng Angela Merkel đến thăm Zwickau. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đối với dòng xe điện (EV) của hãng không đạt kỳ vọng.

Danny Auerswald, người đứng đầu hoạt động của Volkswagen tại Saxony cho biết các nhà máy trong khu vực – bao gồm Zwickau và Dresden – sẽ phải cắt giảm khoảng 20% chi phí để có thể tiếp tục đủ điều kiện sản xuất các mẫu xe tương lai của VW. Đáng chú ý, nhà máy ở Dresden đã được Volkswagen đánh dấu cho “mục đích sử dụng thay thế” khi sản lượng xe tại đây sẽ dần bị thu hẹp trong năm nay.

Việc Volkswagen rút lui khỏi Saxony không chỉ ảnh hưởng đến công nhân trong nhà máy mà còn có tác động sâu rộng đến bối cảnh chính trị của khu vực. Khi nước Đức chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử liên bang cuối tháng này, sự bất mãn trước sự suy giảm kinh tế đã tạo điều kiện cho đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) gia tăng ảnh hưởng. AfD, vốn công khai bác bỏ quá trình chuyển đổi sang xe điện, đã gọi đây là một “câu chuyện hoang đường”.

Sự lo lắng về sinh kế thể hiện rõ trên các cuộc thăm dò dư luận. Tỷ lệ ủng hộ các đảng truyền thống của Đức đã giảm mạnh tại khu vực này, trong khi AfD ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng. Trong cuộc bầu cử nghị viện bang Saxony năm ngoái, AfD chỉ xếp sau đảng dẫn đầu với khoảng cách sít sao. Riêng tại Zwickau, AfD hiện là đảng lớn nhất.

Các nhà máy của Volkswagen bên ngoài bang Lower Saxony – nơi đặt trụ sở chính của hãng và cũng nắm giữ 20% quyền biểu quyết – có rất ít ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán năm ngoái giữa ban lãnh đạo và công đoàn.

Gia tộc Porsche-Piëch, cổ đông lớn nhất của Volkswagen, đã thúc đẩy kế hoạch cắt giảm mạnh tay, bao gồm cả việc đóng cửa nhà máy. Dù được đánh giá là một trong những cơ sở sản xuất tiên tiến nhất của VW, Zwickau – từng được chính Volkswagen gọi là “nhà máy xe điện hiệu quả nhất châu Âu” – vẫn bị đưa vào danh sách nguy cơ đóng cửa.

Mặc dù các nhà máy tại Đức không bị đóng cửa hoàn toàn, quyết định giảm một nửa công suất sản xuất tại nước này từ gần 1,5 triệu xe xuống còn 750.000 xe – thấp hơn mức 900.000 xe mà VW sản xuất tại Đức vào năm ngoái – phản ánh quan điểm bi quan của hãng về triển vọng phục hồi doanh số tại châu Âu trong tương lai gần.

Powels cũng cảnh báo về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các hãng xe điện Trung Quốc, vốn đang đẩy mạnh hiện diện tại châu Âu. “Không chỉ là những công ty mới với công nghệ mới, mà họ còn có chi phí vận hành thấp hơn, hiệu suất và năng suất cao hơn nhiều so với chúng tôi”, ông nói.

Thỏa thuận mới của Volkswagen – trong đó hãng cam kết chuyển đổi mục đích sử dụng của hai nhà máy tại Đức – đã làm dấy lên đồn đoán về khả năng bán lại các cơ sở này cho đối thủ. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu việc ngừng sản xuất tại các nhà máy có dẫn đến việc đóng cửa hoàn toàn hay không.

Tuy nhiên, Giám đốc tài chính David Powels bác bỏ những suy đoán này, khẳng định rằng Volkswagen đã “đạt được mục tiêu tái cấu trúc và cắt giảm công suất”.

Ông tỏ ra lạc quan rằng các chi phí cố định thấp hơn, được đảm bảo thông qua thỏa thuận với công đoàn, sẽ giúp hãng hạ giá thành các mẫu xe điện trong tương lai, qua đó thúc đẩy doanh số tại châu Âu. “Chúng tôi muốn cung cấp công nghệ mới với mức giá cạnh tranh, giúp khách hàng bình dân dễ dàng tiếp cận hơn”, ông nói, phản hồi trước những chỉ trích rằng Volkswagen – với ý nghĩa “xe của nhân dân” – đang ngày càng trở nên quá đắt đỏ.

Ban đại diện công nhân của Volkswagen, do Daniela Cavallo lãnh đạo, cũng ca ngợi thỏa thuận đạt được ngay trước Giáng sinh là một thành công lớn, tuyên bố trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên: “Cuối cùng, chúng ta đã làm được!”

Tuy nhiên, không khí tại Zwickau lại ảm đạm hơn. Theo thỏa thuận, Wolfsburg sẽ tiếp quản việc sản xuất dòng xe điện ID của Volkswagen từ năm 2027, khiến Zwickau chỉ còn lại mẫu Audi Q4 e-tron. Để đổi lại, nhà máy được hứa hẹn một vai trò mới trong lĩnh vực tái chế xe hơi, tạo ra khoảng 1.000 việc làm – một con số khá khiêm tốn so với quy mô sản xuất hiện tại.

“Tương lai của chúng tôi sẽ ra sao?” – một công nhân đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình tại nhà máy Zwickau trăn trở. “Nếu chúng tôi ngừng sản xuất xe, các nhà cung cấp tại Saxony cũng sẽ phải dừng hoạt động – chúng ta đang biến nơi này thành một vùng nghèo khó”.

Theo: Financial Times

Theo Phương Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên