MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếc vé tàu khiến hàng ngàn bậc cha mẹ rơi nước mắt: Con cái rồi sẽ phát triển thế nào?

18-05-2025 - 11:26 AM | Sống

Ngay khi nam sinh gửi vé vào nhóm gia đình, phản ứng của người cha khiến ai cũng bất ngờ.

Vào những dịp nghỉ hè, những đứa trẻ học xa nhà cũng lần lượt trở về, đoàn tụ cùng cha mẹ, cùng nhau tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc. Tuy nhiên, có một sinh viên đại học ở Trung Quốc khi háo hức trở về nhà lại bị chính người cha của mình... "mắng một trận". Vậy rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?

Tiểu Lâm (Trung Quốc) là sinh viên năm nhất đại học. Vì mới rời xa nhà chưa lâu, nên cậu rất nhớ nhà.

Khi kỳ nghỉ hè đang đến gần, Tiểu Lâm đã sớm chuẩn bị mua vé tàu để về quê. Thế nhưng khi mở app đặt vé, cậu phát hiện mình đã đặt muộn, những chuyến tàu thông thường phù hợp đã hết sạch vé.

Gia đình Tiểu Lâm không khá giả, từ trước đến nay dù là đến trường hay về quê ăn Tết, cậu đều chọn đi tàu thường vì giá rẻ – chỉ khoảng hơn 40 tệ (khoảng 140 nghìn đồng), trong khi vé tàu cao tốc lại lên đến hơn 120 tệ (khoảng 420 nghìn đồng).

Chiếc vé tàu khiến hàng ngàn bậc cha mẹ rơi nước mắt: Con cái rồi sẽ phát triển thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nhưng lần này vì không còn vé tàu thường, Tiểu Lâm đành cắn răng mua vé tàu cao tốc. So với khoản chênh lệch bảy tám chục tệ, Tiểu Lâm cho rằng việc được về nhà sum họp cùng gia đình trong kỳ nghỉ lễ mới là điều quan trọng nhất. Sau khi mua được vé, cậu vui mừng gửi ảnh vé vào nhóm chat gia đình, báo với mọi người thời gian mình sẽ về đến.

Cứ ngỡ bố mẹ và người thân sẽ vui vẻ chờ đón mình, nhưng không ngờ điều mà Tiểu Lâm nhận được lại là hàng loạt lời trách mắng từ người cha: "Về thì về, sao phải mua vé tàu cao tốc? Con tưởng mình có nhiều tiền lắm à? Con có biết kiếm tiền vất vả lắm không? Về cũng chỉ để chơi thôi mà? Nhà mình là gia đình bình thường, con có thể tiết kiệm một chút không? Cái gì mà đi lại đều phải đi tàu cao tốc? Bố thật sự rất bực mình. Nuôi con là trách nhiệm của bố mẹ, nhưng con không thể làm khổ bố mẹ như vậy được". 

Những lời nói ấy như từng mũi kim đâm vào tim Tiểu Lâm. Có vẻ như trong mắt cha, khoản chênh lệch bảy tám chục tệ còn quan trọng hơn cả việc con cái được về nhà đoàn tụ.

Đặc biệt là câu "Về cũng chỉ để chơi thôi mà" càng khiến Tiểu Lâm cảm thấy đau lòng, như thể việc bạn ấy bỏ tiền mua vé về nhà là điều không đáng. Sau đó, Tiểu Lâm đã nói: "Thật sự thấy mình về nhà là thừa thãi. Biết thế này, thà không về còn hơn. Ở trường tự do thoải mái, không bị mắng mỏ, muốn làm gì thì làm…".

Nhiều phụ huynh sau khi đọc câu chuyện cũng đồng loạt bày tỏ: Người cha này thật sự rất "phá hỏng niềm vui", là một ví dụ điển hình của việc giáo dục thất bại. Họ buồn thay cho Tiểu Lâm, an ủi đứa trẻ đừng quá tuyệt vọng.

Phụ huynh hay "than nghèo kể khổ" đang âm thầm hủy hoại tương lai của con – hãy thay đổi trước khi quá muộn!

① Làm lệch lạc quan niệm về tiền bạc của con

Khi cha mẹ liên tục than nghèo, con cái rất dễ hình thành tư duy sai lệch: đánh giá mọi việc không dựa trên giá trị hay kết quả mang lại, mà chỉ chăm chăm xem việc đó có tốn tiền hay không.

Dần dà, trẻ sẽ trở nên keo kiệt trong tư duy, không dám đầu tư, không dám trải nghiệm, lúc nào cũng sợ "lãng phí tiền bạc". Điều này có thể khiến con bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quý giá chỉ vì... tiếc tiền.

② Làm tổn thương tình cảm cha mẹ – con cái

Việc cha mẹ "khó chịu" vì những khoản chi tiêu thiết yếu của con – như vé về nhà – khiến trẻ dần mất đi sự gắn bó với gia đình. Như Tiểu Lâm, chỉ vì tấm vé cao tốc mà bị bố mắng thậm tệ, bạn ấy đã hoàn toàn mất đi sự háo hức khi nghĩ về nhà.

Cảm giác bị chối bỏ, bị xem thường có thể in sâu trong tâm trí con. Con sẽ nghĩ: "Cha mẹ không yêu mình", "Cha mẹ tiếc tiền vì mình", "Mình chẳng đáng giá chút nào".

Nếu không được chữa lành, khoảng cách thế hệ sẽ ngày càng sâu sắc, thậm chí mối quan hệ có thể rạn nứt không thể hàn gắn.

③ Gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm lý của trẻ

Việc cha mẹ liên tục hạn chế chi tiêu quá mức cho con khiến con dần hình thành sự tự ti và cảm giác bản thân "không xứng đáng có được những điều tốt đẹp".

Từng có một đứa trẻ chia sẻ: Hồi nhỏ bố mẹ luôn nói "nhà nghèo", không mua đồ chơi, dụng cụ học tập thì rẻ nhất, quần áo chỉ cần mặc được là được. Lâu dần, đứa trẻ đó luôn nghĩ mình thấp kém, không có giá trị, chẳng dám mơ ước gì. Đó là một tổn thương tâm lý âm ỉ nhưng dai dẳng, khó xóa nhòa khi con lớn lên.

Phân biệt rõ "tiết kiệm" và "than nghèo"

Từ những lời mắng của cha Tiểu Lâm, có thể cảm nhận được rằng điều kiện kinh tế gia đình không dư dả. Người cha có thể phải làm công việc vất vả, chịu nhiều áp lực từ sếp, khách hàng, đồng nghiệp… Điều đó khiến ông hình thành tâm lý trân trọng từng đồng tiền, hình thành thói quen tiết kiệm.

Nhưng vấn đề là: Ông không phân biệt được giữa "tiết kiệm" và "than nghèo".

Tiết kiệm là sử dụng tiền một cách hợp lý, tối ưu hóa giá trị mỗi đồng bỏ ra. Như câu nói thời nay: "Đi xe đạp đến quán bar, đáng chi thì chi, nên tiết kiệm thì tiết kiệm". Còn "than nghèo" là chỉ biết tiết kiệm một cách cực đoan, từ chối mọi chi tiêu, dù cần thiết, thậm chí đánh giá con cái dựa trên số tiền con tiêu.

Ông cũng không nhận ra rằng: Nếu Tiểu Lâm không về, ở lại trường vẫn phải tốn tiền ăn uống, sinh hoạt, mà có khi còn tốn hơn. Đó là cái giá của "tiết kiệm mù quáng".

Việc cha mẹ thường xuyên "than nghèo" với con cái không chỉ khiến trẻ đau lòng, mà còn dễ bóp méo nhân sinh quan, thế giới quan và tiền bạc quan của trẻ. Tình cảm gia đình cũng vì thế mà rạn nứt, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của con.

Làm cha mẹ, chúng ta cần học cách biết chi đúng lúc, hiểu giá trị của sự kết nối tình thân, thay vì chỉ nhìn vào vài đồng bạc lẻ trước mắt.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Theo Hiểu Đan

Đời sống & pháp luật

Từ Khóa:
Trở lên trên