Cao tốc gần 15.000 tỷ đồng đi qua hồ nước nổi tiếng, sở hữu cây cầu mang 2 kỷ lục Việt Nam
Điểm nhấn trên công trình cao tốc này là cây cầu đi qua hồ chứa nước nhân tạo lớn top đầu Việt Nam.
Khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Sơn La
Ngày 18/5, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã dự và phát biểu tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.
Ông Mai Văn Chính nhấn mạnh, xác định phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ là một trong những nội dung đột phá chiến lược. Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là một minh chứng sinh động cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt ở những vùng còn nhiều khó khăn như Tây Bắc.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính tại lễ khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng tin tưởng dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La sẽ được xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác đúng tiến độ, chất lượng, góp phần quan trọng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận, tạo cú hích quan trọng, thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của khu vực Tây Bắc.
Được biết, đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu nằm trong tỉnh Sơn La có chiều dài 32,3 km với tổng mức đầu tư lên tới hơn 4.900 tỷ đồng, trong khi đoạn qua tỉnh Hòa Bình có tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng cho 34km, tổng cộng toàn tuyến ở mức 14.897 tỷ đồng.
Dự án có các công trình hầm cũng như các cầu đặc biệt có trụ cao trên 50 m, phương án kiến trúc được lựa chọn bảo đảm về mỹ quan, phù hợp với văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Về phân kỳ đầu tư, dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tốc độ thiết kế 80 km/giờ, chiều rộng nền đường 12 m; xây dựng với quy mô bảo đảm bố trí 4 làn xe theo giai đoạn hoàn thiện.

Video minh họa cầu Hòa Sơn nhìn từ trên cao do AI sáng tạo ra dựa trên hình ảnh phối cảnh từ chủ đầu tư
Trong đó, điểm nhấn của cao tốc là công trình cầu Hòa Sơn vượt hồ Hòa Bình - hồ chứa nước nhân tạo lớn top đầu Việt Nam, nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Với chiều dài khoảng 1,2 km, đây sẽ là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam (550 m), trụ tháp dây văng cầu cao nhất Việt Nam (187 m).
Lấy cảm hứng từ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với núi cao hồ sâu, cầu Hòa Sơn có thiết kế tháp cầu vút cao, vuốt nhọn về đỉnh, tượng trưng cho những ngọn núi và tinh thần vươn lên mạnh mẽ. Họa tiết thổ cẩm cũng được cách điệu trên trụ tháp, khắc họa bản sắc văn hóa của tỉnh.
Trước đó, ngày 29/9/2024, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đây là công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải và là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Video minh họa cận cảnh cầu Hòa Sơn trong tương lai do AI sáng tạo ra dựa trên hình ảnh phối cảnh từ chủ đầu tư
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có 6 ý nghĩa lớn
Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu là một trong những công trình giao thông trọng điểm quốc gia, mang tính chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc và khu vực trung du miền núi phía Bắc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng chỉ rõ sáu ý nghĩa lớn của dự án này, từ đó thể hiện tầm quan trọng không chỉ về mặt hạ tầng giao thông mà còn về phát triển kinh tế, quốc phòng – an ninh và trách nhiệm xã hội.
Dự án góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đột phá chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đây cũng là bước đi cụ thể để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, tạo nền tảng thúc đẩy sự liên kết vùng, giảm khoảng cách địa lý, đồng thời góp phần giảm thiểu sự chênh lệch phát triển giữa các vùng miền.
Việc giao trách nhiệm cho các địa phương trong đầu tư phát triển hạ tầng theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong quản lý phát triển kinh tế – xã hội. Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu không chỉ giúp các tỉnh nâng cao năng lực quản lý, điều hành mà còn thể hiện vai trò chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng thực hiện nghi thức khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn Hòa Bình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Con đường cao tốc này kết nối vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và miền Trung, tạo nên một hành lang giao thông thuận lợi, giảm chi phí logistics cho hàng hóa, dịch vụ. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm địa phương và nền kinh tế vùng được tăng cường, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và dịch vụ.
Dự án không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng các hoạt động sản xuất – kinh doanh trên địa bàn. Việc phát triển thuận lợi các ngành nghề như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại và du lịch giúp tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân vùng Tây Bắc.
Với vị trí nằm trong khu vực chiến lược Tây Bắc, cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu cũng đóng vai trò then chốt trong xây dựng khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia. Việc phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn tăng cường khả năng ứng phó, bảo vệ vùng biên giới, đảm bảo ổn định chính trị – xã hội.
Dự án cao tốc còn là sự đền đáp, tri ân đối với những người đã hy sinh, cống hiến, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đây cũng là sự đáp ứng thiết thực mong mỏi lâu nay của đồng bào Tây Bắc về một hạ tầng giao thông hiện đại, thuận tiện, góp phần nâng cao đời sống và phát triển bền vững vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa.
Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu là một công trình có ý nghĩa to lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về chính trị, xã hội và quốc phòng – an ninh. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển vùng trung du miền núi phía Bắc, kết nối hiệu quả với các khu vực kinh tế trọng điểm, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát huy vai trò chủ động của địa phương trong phát triển bền vững. Đây là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đời sống và Pháp luật
CÙNG CHUYÊN MỤC

Qua thời ‘xoá đói, giảm nghèo’, đến lúc toàn dân thi đua làm giàu
10:00 , 19/05/2025