MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao thủ top 2 giới võ lâm nhưng bị Tạ Tốn dễ dàng hạ gục: Âm mưu của Kim Dung?

21-05-2025 - 07:55 AM | Sống

Cái chết của cao thủ này còn ẩn chứa nhiều bí mật.

Vị cao thủ bị Tạ Tốn đánh chết bằng 1 đấm

Trong tứ đại thần tăng của Thiếu Lâm xuất hiện trong các tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, Không Kiến đại sư vững vàng ngồi trên vị trí đứng đầu, võ công và Phật pháp đều đạt đến đỉnh cao. Thế nhưng, vị cao thủ này cuối cùng lại chết dưới tay Tạ Tốn? Bề ngoài, cái chết của ông dường như là do lòng từ bi quá độ, nhưng thực chất, đó không chỉ là một tai nạn trong cuộc đối đầu võ công, mà còn chứa đựng âm mưu được Kim Dung thiết kế tỉ mỉ.

Tạ Tốn là người kiêu ngạo, ngay cả Trương Tam Phong cũng không coi ra gì, duy chỉ có đối với Không Kiến thần tăng, ông ta vừa kính nể vừa sợ hãi. Lúc bấy giờ, Tạ Tốn sau khi luyện thành Thất thương quyền đã trở thành cao thủ hàng đầu võ lâm, một tiếng Sư tử hống trên đảo Vương Bàn Sơn đã khiến vô số anh hùng khiếp sợ. Nhưng khi Không Kiến ra tay, nhận thức của Tạ Tốn đã hoàn toàn bị đảo lộn. Khi Tạ Tốn nhảy lên không trung, Không Kiến chỉ nhẹ nhàng vỗ vào vai ông, thân pháp nhanh đến mức khiến người ta tưởng như gặp ma. Nếu là người khác, chỉ một cái vỗ nhẹ này cũng đủ lấy mạng Tạ Tốn.

Cao thủ top 2 giới võ lâm nhưng bị Tạ Tốn dễ dàng hạ gục: Âm mưu của Kim Dung?- Ảnh 1.

Tạ Tốn sau khi luyện thành Thất thương quyền đã trở thành cao thủ hàng đầu võ lâm, một tiếng Sư tử hống trên đảo Vương Bàn Sơn đã khiến vô số anh hùng khiếp sợ. (Ảnh: Sohu)

Tại sao Không Kiến lại thể hiện võ công như vậy? Thực chất, ông muốn khuyên Tạ Tốn từ bỏ ý định báo thù. Ông biết kẻ thù của Tạ Tốn là Thành Côn đã bái nhập Thiếu Lâm ba năm, võ công nay đã khác xưa, nên muốn cho Tạ Tốn hiểu rằng không còn hy vọng báo nữa chi bằng buông bỏ. Nhưng Tạ Tốn nào chịu dễ dàng từ bỏ? Không Kiến lại nghe theo kế sách của Thành Côn, quyết định dùng Kim Cang Bất Hoại Thể để chịu đựng mười ba quyền của Tạ Tốn, muốn dùng thân mình chịu đòn để hóa giải oán khí của hắn.

Kim Cang Bất Hoại Thể được mệnh danh là một trong năm đại thần công cổ kim, khi vận công thì đao thương bất nhập, còn có thể phản đòn lại lực của đối phương. Tuy nhiên, võ công mạnh đến đâu cũng có điểm yếu, đó là khi mở miệng nói chuyện, chân khí hộ thể sẽ tiêu tán. Thành Côn biết điều này, và Tạ Tốn cũng nhìn ra sơ hở này. Mười hai quyền đầu tiên của Tạ Tốn đều không thể làm Không Kiến bị thương, cuối cùng ông ta liền dùng chiến thuật tâm lý là giả vờ tự sát.

Cao thủ top 2 giới võ lâm nhưng bị Tạ Tốn dễ dàng hạ gục: Âm mưu của Kim Dung?- Ảnh 2.

Nhưng khi Không Kiến ra tay, nhận thức của Tạ Tốn đã hoàn toàn bị đảo lộn. (Ảnh: Sohu)

Không Kiến nổi lòng từ bi, sao có thể thấy chết mà không cứu? Ông vội vàng lên tiếng khuyên can, phi thân tới cứu người, ngay trong khoảnh khắc mở miệng, chân khí hộ thể liền biến mất. Tạ Tốn thừa cơ tung ra một đòn toàn lực, khiến Không Kiến trọng thương và qua đời. Trận đấu này thoạt nhìn như Tạ Tốn may mắn thắng được, nhưng thực chất là ông ta đã lợi dụng lòng tốt và điểm yếu võ công của Không Kiến để chiến thắng bằng mưu mô.

Bí mật lớn của Kim Dung

Tuy nhiên theo Sohu, cái chết của Không Kiến, thực chất ngay từ đầu đã nằm trong "kịch bản" mà Kim Dung sắp đặt. Trong tiểu thuyết, đoạn Tạ Tốn hồi tưởng về Không Kiến, bề ngoài là kể về ân oán giang hồ, nhưng thực chất lại ẩn chứa hai tác dụng then chốt.

Thứ nhất, xây dựng hình tượng hoàn mỹ cho Không Kiến. Kim Dung cố tình mượn lời của Tạ Tốn để gán cho Không Kiến những nhãn mác như khiêm tốn, thanh liêm. Là người đứng đầu tứ đại thần tăng Thiếu Lâm, danh tiếng võ công của Không Kiến lại không bằng sư đệ Không Trí, Không Tính; thậm chí vị trí chưởng môn Thiếu Lâm cũng nhường cho người khác, đây chính là hình tượng "ẩn sĩ cao nhân" như Vô Danh Thần Tăng trong Thiên Long Bát Bộ.

Cao thủ top 2 giới võ lâm nhưng bị Tạ Tốn dễ dàng hạ gục: Âm mưu của Kim Dung?- Ảnh 3.

Theo Sohu, cái chết của Không Kiến, thực chất ngay từ đầu đã nằm trong "kịch bản" mà Kim Dung sắp đặt. (Ảnh: Sohu)

Kết hợp với mô típ nhân vật càng từ bi thì võ công càng thâm sâu thường thấy của Kim Dung, cái chết của Không Kiến lại trở thành khoảnh khắc xả thân vì người đáng nhớ nhất của ông: vì hóa giải thù hận, ngay cả mạng sống cũng không màng.

Thứ hai, thúc đẩy cốt truyện: Để dụ Thành Côn xuất hiện, Tạ Tốn đã gây ra nhiều vụ án mạng, tạo thù chuốc oán khắp nơi: cướp bí kíp võ công của Khổng Đồng phái, giết anh trai của Diệt Tuyệt sư thái, đánh trọng thương đệ tử Côn Luân phái… Những mối thù này cuối cùng đều đổ lên đầu Minh giáo. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ, bởi vì Thiếu Lâm và Võ Đang mới là những thế lực thực sự đứng đầu trong võ lâm.

Để Lục đại môn phái liên thủ đối phó Minh giáo, cần phải có Thiếu Lâm đứng đầu. Kim Dung suy đi tính lại, cuối cùng quyết định để Không Kiến hy sinh. Bởi ông là sư phụ của Thành Côn, lại là cao thủ hàng đầu Thiếu Lâm, cái chết của Không Kiến dưới tay Tạ Tốn vừa thể hiện sự nham hiểm của Thành Côn, vừa khiến Thiếu Lâm hoàn toàn trở mặt thành thù với Minh giáo. Nếu không có vụ án mạng này, sự kiện Lục đại môn phái vây đánh Quang Minh Đỉnh về sau sẽ không có lý do chính đáng.

Cao thủ top 2 giới võ lâm nhưng bị Tạ Tốn dễ dàng hạ gục: Âm mưu của Kim Dung?- Ảnh 4.

Để dụ Thành Côn xuất hiện, Tạ Tốn đã gây ra nhiều vụ án mạng, tạo thù chuốc oán khắp nơi. (Ảnh: Sohu)

Điều thú vị là cái chết của Không Kiến còn gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc đời của Tạ Tốn. Từ đó về sau, ông không còn tùy tiện giết người, thậm chí còn tha mạng cho vợ chồng Trương Thúy Sơn trên đảo Băng Hỏa. Điều này giống như một ẩn ý mà Kim Dung cài cắm. Sự hy sinh của một người có thể thay đổi vận mệnh của người khác. Nhìn lại cái chết của Không Kiến, có thể nói đó không phải là do võ công kém cỏi, mà là do Kim Dung đã dùng một bi kịch để vừa thúc đẩy cốt truyện, vừa truyền tải những giá trị nhân văn. Giữa những màn đao kiếm trong thế giới võ hiệp, ẩn chứa chính là triết lý nhân sinh của đời thực.

Tổng hợp

Theo Nguyệt Phạm

Phụ nữ số

Từ Khóa:
Trở lên trên