MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản Diêm Điền, Tiền Hải – nơi có Khu kinh tế, cảng biển và sắp có sân bay riêng, sẵn sàng bứt phá sau sáp nhập

28-05-2025 - 12:23 PM | Bất động sản

Khu kinh tế Thái Bình quy mô hơn 30.000ha, thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành tâm điểm phát triển mới sau sáp nhập Thái Bình – Hưng Yên. Sự kết hợp này tạo nên một hành lang kinh tế liền mạch kinh tế biển - trung tâm công nghiệp mà còn tạo ra hệ quy chiếu bất động sản, dần rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực.

Việc sáp nhập tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, dự kiến hoàn tất theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025, đang mở ra một chương mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng. Với tên gọi dự kiến là tỉnh Hưng Yên mới, trung tâm hành chính đặt tại Hưng Yên, sự hợp nhất này không chỉ tạo ra một đơn vị hành chính lớn mạnh với diện tích 2.514,8 km² và dân số hơn 3,5 triệu người, mà còn đánh dấu bước ngoặt chiến lược để khai thác tối đa tiềm năng của cả hai địa phương.

Trong bức tranh phát triển này, Khu kinh tế Thái Bình nổi lên như một tâm điểm mới, hội tụ đầy đủ các điều kiện cần và đủ để dẫn dắt nhịp tăng trưởng dài hạn. Khu kinh tế Thái Bình thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải với diện tích hơn 30.000 ha - lớn hơn tổng diện tích của 12 quận nội thành Hà Nội cộng lại, và là một trong 16 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia. Quy hoạch khu kinh tế này mang lại tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển, từ logistics, cảng biển đến du lịch và bất động sản.

Bất động sản Diêm Điền, Tiền Hải – nơi có Khu kinh tế, cảng biển và sắp có sân bay riêng, sẵn sàng bứt phá sau sáp nhập- Ảnh 1.

Khu kinh tế Thái Bình thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải – bao trọn "đường ra biển" của tỉnh Thái Bình nói riêng và của tỉnh Hưng Yên mới sau sáp nhập

Sau 7 năm thành lập, Khu kinh tế Thái Bình đã và đang được đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường cao tốc CT.08 (Ninh Bình – Hải Phòng) đoạn qua Thái Bình, Nam Định; tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cồn Vành…Cùng với đó, cao tốc Hải Phòng - Ninh Bình, quốc lộ 39A, và các tuyến đường tỉnh như ĐT.453, ĐT.454, ĐT.455 tạo nên mạng lưới liên kết chặt chẽ, giúp khu Kinh tế Thái Bình trở thành trung tâm kết nối vùng.

Đặc biệt, thông báo số 243/TB-VPCP ngày 19/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu Thái Bình tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nghiên cứu các phương án lấn biển để xây dựng sân bay và cảng biển, mở rộng không gian phát triển công nghiệp và đô thị.

Đồng thời theo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Bình sẽ có sân bay chuyên dụng ven biển. Sân bay này sẽ được đặt tại huyện Tiền Hải và thuộc Khu kinh tế Thái Bình. Dự kiến, sau năm 2030, khi hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, sân bay sẽ được xây dựng. Những yếu tố này là nền tảng vững chắc để Khu kinh tế Thái Bình vươn lên như một cực tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh Thái Bình sáp nhập với Hưng Yên - trung tâm công nghiệp năng động với 12 khu công nghiệp lớn như Phố Nối A, Thăng Long II và Yên Mỹ, sẽ mang lại lợi thế bổ sung cho Khu kinh tế Thái Bình.

Hưng Yên có vị trí gần Hà Nội, kết nối trực tiếp với các trục giao thông huyết mạch như Quốc lộ 5A, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường Vành đai 4. Sự kết hợp này tạo nên một hành lang kinh tế liền mạch, nơi Thái Bình cung cấp quỹ đất dồi dào và tiềm năng kinh tế biển, còn Hưng Yên đóng vai trò trung tâm công nghiệp và dịch vụ.

Bất động sản Diêm Điền, Tiền Hải – nơi có Khu kinh tế, cảng biển và sắp có sân bay riêng, sẵn sàng bứt phá sau sáp nhập- Ảnh 2.

Trong vòng xoay của cải cách hành chính và làn sóng sáp nhập, câu hỏi đặt ra không chỉ là "nơi nào nóng lên trước", mà còn là "tâm điểm nào sẽ giữ nhịp dài hơi cho chu kỳ mới?" (Ảnh minh họa: Khu vực ven biển Thái Bình)

Theo các chuyên gia, việc sáp nhập Thái Bình – Hưng Yên không chỉ là sự hợp nhất địa giới hành chính mà còn là cơ hội để Thái Bình và Hưng Yên cùng "về chung một nhà" tạo nên một siêu địa phương với quy mô kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cùng với đó, sự hợp nhất này cũng sẽ tạo tiền đề phát triển kinh tế mà còn tạo ra một hệ quy chiếu giá trị mới, giúp giá bất động sản Thái Bình tăng dần, thu hẹp khoảng cách với Hưng Yên, đồng thời điều tiết áp lực đầu cơ tại các khu vực tăng nóng của Hưng Yên.

Khảo sát thực tế cho thấy giá bất động sản tại Thái Bình hiện thấp hơn đáng kể so với Hưng Yên. Ví dụ, đất nền tại TP Thái Bình dao động 15-30 triệu đồng/m², trong khi đất ven biển Tiền Hải hoặc Diêm Điền (Thái Thụy) chỉ khoảng 10-20 triệu đồng/m². Trong khi đó, Hưng Yên đã là thị trường bất động sản sôi động, với giá đất nền tại các khu vực như Văn Giang đạt 50-60 triệu đồng/m², Phố Nối 30-40 triệu đồng/m², thậm chí giá thấp tầng tại các khu đô thị Ecopark, Vinhomes Ocean Park 2-3 đã lên ngưỡng 200-300 triệu đồng/m2

Đánh giá về tác động thu hút đầu tư của các địa phương sau khi sáp nhập, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam từng nhấn mạnh, trước đây, nhiều thị trường địa phương không hấp dẫn nhà đầu tư vì thiếu liên kết vùng, thiếu hạ tầng nhưng khi các đơn vị hành chính nhỏ lẻ được sáp nhập, đi kèm với cơ chế quản lý mới và định hướng quy hoạch thống nhất, cơ hội để các trung tâm phát triển mới xuất hiện là hoàn toàn khả thi.

Có thể nói, sáp nhập Thái Bình – Hưng Yên không chỉ là một bước tiến hành chính mà còn là cú hích để vùng Đồng bằng sông Hồng vươn lên tầm cao mới. Với Khu kinh tế Thái Bình làm đầu tàu, sự kết hợp giữa tiềm năng kinh tế biển và sức mạnh công nghiệp của Hưng Yên hứa hẹn tạo nên một cực tăng trưởng mới, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong tương lai gần, khi sân bay riêng đi vào hoạt động và các dự án hạ tầng trọng điểm được hoàn thiện, Khu kinh tế Thái Bình sẽ không chỉ là tâm điểm kinh tế mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững, nơi hội tụ cơ hội và thịnh vượng cho toàn vùng.

Theo Phan Nam

An ninh tiền tệ

Trở lên trên